Trẻ có thể tắt thở, chết não vì tai nạn gặp rất phổ biến

Thứ 3, 04.04.2023 | 08:36:28
1,141 lượt xem

Chuỗi nam châm, mảnh xương lợn, viên đạn nhựa, đầu bút bi, hạt hướng dương, hạt lạc... là những dị vật các bác sĩ gắp ra từ đường thở của bệnh nhi. Tai nạn hóc dị vật có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trẻ nhỏ liên tục hóc dị vật

Thời gian qua, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận những ca hóc dị vật ở nhiều độ tuổi khác nhau, gây hẹp hoặc tắc nghẽn đường thở, dẫn đến tình trạng nguy kịch ở trẻ.

Cao điểm trong tháng 1/2023, liên tiếp 5 trẻ bị hóc các dị vật khác nhau phải nhập viện. Đó là bé Q.A. (14 tháng, Quảng Ninh) hóc xương lợn vào phế quản gốc phải do trẻ vừa ăn vừa chơi, chạy nhảy; Bé K.A. (3 tuổi) hóc vỏ hạt bí do bố mẹ không chú ý để con tự ý ăn hạt bí trên bàn; Bé T.L. (2,5 tuổi) hóc hạt hướng dương; Bé M.L. (2 tuổi) nuốt phải viên đạn nhựa; Bé H.N. (17 tháng tuổi) đã bị dị vật mảnh nhựa của đồ chơi trong đường thở. 

Trẻ có thể tắt thở, chết não vì tai nạn gặp rất phổ biến - 1

Các dị vật với kích thước, hình dáng đa dạng từ đồ ăn đến đồ chơi được các bác sĩ gắp ra (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Trẻ lớn cũng hóc dị vật

Mới đây, bé N.Đ.T. (7 tuổi) ở Thái Bình được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng thở rít, ho nhiều. Tình trạng này xảy ra sau khi bé nuốt phải đầu bút bi khi chơi với các bạn ở lớp.

Sau khi được bệnh viện tuyến cơ sở chẩn đoán hóc dị vật, trẻ được chuyển lên Bệnh viện tuyến tỉnh rồi lập tức chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.

Các bác sĩ Khoa Khám và Thăm dò Hô hấp - Trung tâm Hô hấp đã nội soi khí phế quản và gắp ra một đầu bút bi kích thước 08 x 1cm. Dị vật này bít tắc gần kín đường thở của trẻ, nếu không được xử trí sớm sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Một trường hợp khác, bé Đ.V. (9 tuổi, Hà Nam) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải đặt nội khí quản để chuyển từ Bệnh viện tuyến tỉnh lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Sau khi nuốt phải đầu bút bi khi đang chơi đùa với bạn, dị vật gây bít kín đường thở khiến trẻ suy hô hấp nặng nề. Các bác sĩ rất khó khăn để lấy dị vật có kích thước lớn 1,0 x 1,0cm, trong khi khẩu kính phế quản của trẻ lại nhỏ.

Phải trải qua 2 lần nội soi khí quản, các bác sĩ mới lấy được dị vật, giúp cháu bé vượt qua nguy kịch.

Trẻ có thể tắt thở, chết não vì tai nạn gặp rất phổ biến - 2

Dị vật đầu ngòi bút và nắp bút bi được các bác sĩ gắp ra khỏi đường thở của 2 bệnh nhi (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

ThS.BS Phùng Đăng Việt - Trưởng Khoa Khám và Thăm dò Hô hấp, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tai nạn hóc dị vật ở trẻ là rất phổ biến. Trẻ nhỏ với bản tính tò mò, hay có thói quen cho các vật cầm ở tay vào miệng để khám phá. Hoặc trong quá trình ăn uống cha mẹ để con vừa ăn vừa chơi, vừa khóc vừa ăn; các bạn học sinh lớn hơn thì hiếu động, chơi nghịch nhiều trò chơi nên dễ bất cẩn.

Dị vật khiến trẻ hóc có thể là bất cứ cái gì, từ móc chìa khóa, chuỗi hạt nam châm, hạt bí, hạt hướng dương, xương... Đặc biệt trong mùa hè sắp tới, các loại trái cây có hạt tròn như nhãn, rồi vải rất nguy hiểm, trơn trượt khi trẻ hóc có thể gây bít kín đường thở, khiến trẻ suy hô hấp, thậm chí tử vong, chết não vì thiếu oxy.

Dị vật đường thở có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, tùy thuộc vào loại dị vật, tuổi của bệnh nhân và thời gian được điều trị sớm hay muộn.

Trên thực tế, nhiều phụ huynh có tâm lý chủ quan chỉ nghĩ trẻ nuốt phải vật lạ, nhưng không lường được nguy hiểm khi dị vật bít kín đường thở nếu không xử trí kịp thời sẽ gây viêm phế quản; viêm phổi; xẹp phổi, áp xe phổi, nặng hơn là suy hô hấp, di chứng não do thiếu oxy hoặc thậm chí phải trả giá bằng cả tính mạng.

ThS. BS Phùng Đăng Việt cũng khuyến cáo khi nghi ngờ hóc sặc dị vật thì nên đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để có chẩn đoán và xử trí chính xác, kịp thời; tránh những thao tác sơ cứu không đúng có thể vô tình đẩy dị vật sâu hơn, khiến tình trạng của trẻ trở nên nguy hiểm hơn.

Cách sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật

1.  Nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, nói được, không khó thở: đặt ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện.

2. Nếu trẻ tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu. Nhanh chóng gọi cấp cứu và thực hiện các thủ thuật sơ cứu sau:

- Trẻ dưới 2 tuổi:

+ Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái.

+ Dùng mu bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.

+ Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái.

+ Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.

- Đối với trẻ lớn:

+ Trẻ còn tỉnh: Đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ. Nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn. Ẩn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6 - 10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc, la được.

+ Trẻ hôn mê: Để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi trẻ. Đặt mu bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất. Ẩn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.

3. Lưu ý:

- Không nên can thiệp nếu trẻ vẫn còn có thể ho, thở hay la, khóc được, mà nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám.

- Tuyệt đối không cố móc lấy dị vật ra vì có nhiều khả năng dị vật sẽ rơi vào sâu hơn, dẫn đến tắc đường thở, gây nguy cơ tử vong cao hơn.


Tú Anh

https://dantri.com.vn/suc-khoe/tre-co-the-tat-tho-chet-nao-vi-tai-nan-gap-rat-pho-bien-20230404071422415.htm

  • Từ khóa