Chuyên gia cảnh báo, nhiều trường hợp con có biểu hiện bị rối loạn tăng động nhưng cha mẹ lại nhầm là hiếu động tự nhiên, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Rối loạn tăng động giảm tập trung (Attention-Deficit/Hyperactivity-Disorder - ADHD) là một chứng rối loạn phát triển thần kinh phổ biến, ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, nhiều cha mẹ phát hiện con bị tình trạng này khá trễ.
Đi học mới phát hiện tăng động
Đang học tại một trường mầm non quốc tế ở TPHCM, cha mẹ bé A. được nhà trường khuyên nên đưa con đi kiểm tra về sức khỏe tinh thần. Trước đó, các thầy cô phát hiện cậu bé có tính cách bốc đồng, thường gây ồn ào và thích gì làm nấy. Bé không thể ghi nhớ và trả lời đúng những nội dung đơn giản như câu hỏi "con mấy tuổi", dù được dạy nhiều lần nhưng quên ngay sau đó. A. cũng thường chơi không đúng cách với các đồ chơi.
Tại một cơ sở giáo dục chuyên biệt ở quận 10, bé được xác định trí não chỉ mới phát triển ở mức 3,5 tuổi, thấp hơn tuổi thực hơn 2 tuổi. A. chậm ở hầu hết các lĩnh vực phát triển, đồng thời có biểu hiện mắc chứng ADHD. Hiện tại, bé đã có 6 tháng can thiệp liên tục, luyện tập khả năng tập trung, bắt chước và nhận thức.
Trẻ can thiệp tại cơ sở giáo dục chuyên biệt ở TPHCM (Ảnh: TH).
Tương tự, mẹ bé K. được giáo viên chủ nhiệm báo tình trạng bất thường, khi đang học lớp 2 một trường công lập trên địa bàn TPHCM. Ngoài học lực khá thấp, bé thường tỏ ra bất cần, thiếu tập trung, quậy phá, phát ngôn bừa bãi trong lớp và không chịu nghe lời thầy cô. Dù các giáo viên đã dùng nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau, nhưng tình trạng trên không giảm.
Qua kiểm tra, đánh giá tại trường chuyên biệt Thành Nhân, K. được xác định có biểu hiện của ADHD. Vì kém chú ý, em không học được các kỹ năng, kiến thức và nề nếp của trường. Từ chỗ bị hổng kiến thức nền, bé dần mất tự tin, chán và sợ học, nên phát sinh nhiều hành vi chống đối, trốn tránh việc học.
Để giải quyết tình trạng của bé, các chuyên viên phải thực hiện can thiệp đồng thời nhiều lĩnh vực như: cải thiện khả năng tập trung, bổ trợ kiến thức học đường, định hướng hành vi phù hợp. Ngoài ra, em được hỗ trợ tập luyện nhằm giải phóng năng lượng và cân bằng tâm lý.
Thạc sĩ Phan Thế Hải, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam tại TPHCM, người có kinh nghiệm nhiều năm can thiệp cho trẻ có nhu cầu đặc biệt chia sẻ, trẻ ADHD và trẻ hiếu động thường có đặc điểm chung là hoạt động liên tục. Tuy nhiên, 2 nhóm này có sự khác biệt chính ở khả năng chú ý và kiểm soát hành vi.
Trẻ tập luyện với bóng gai để cải thiện xúc giác, cảm giác bản thể (Ảnh: TH).
Một trẻ hiếu động có thể tập trung khi được nhắc nhở và có thể hoàn thành một nhiệm vụ từ đầu đến cuối. Trong khi đó, trẻ ADHD gần như không thể tập trung dù được nhắc nhở, thường dễ chán nản và bỏ dở các hoạt động đang thực hiện.
Theo thạc sĩ Hải, trẻ em mắc chứng ADHD thường chỉ được phát hiện khi đi học, vì các triệu chứng trở nên rõ ràng, có vấn đề hơn trong môi trường có cấu trúc và yêu cầu giáo dục nề nếp. Về mặt ngôn ngữ, trẻ mắc ADHD thường không có nhiều khác biệt so với bạn bè cùng trang lứa. Do đó, các triệu chứng ban đầu có thể không ảnh hưởng đến hoạt động ở trường mầm non.
Đáng chú ý, nhiều cha mẹ và người chăm sóc có thể nhầm lẫn các triệu chứng của ADHD với biểu hiện của trẻ tò mò, hiếu động tự nhiên. Sự hiểu sai này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, vì trẻ sẽ không nhận được sự hỗ trợ và can thiệp cần thiết để phát triển.
Trẻ ở trường chuyên biệt đang tập luyện cơ hàm với giáo viên để cải thiện kĩ năng nói, kĩ năng nhai (Ảnh: TH).
Dấu hiệu nhận ra trẻ tăng động
Thạc sĩ Hải phân tích, tăng động, giảm chú ý dạng vượt trội có những biểu hiện như cẩu thả, bất cẩn, khó tập trung chú ý, hay quên, dễ xao nhãng, không theo dõi các lưu ý, chỉ dẫn hay làm mất đồ đạc của mình…. Trẻ mắc ADHD ở dạng này sẽ không có biểu hiện hoạt động liên tục.
Để xác định xem con có cần kiểm tra hoặc can thiệp hay không, trước tiên phụ huynh phải hiểu các triệu chứng. Chúng có thể xuất hiện hơi khác nhau ở mỗi trẻ.
Các dấu hiệu phổ biến của ADHD bao gồm:
1. Giảm tập trung
Trẻ có hành vi bốc đồng hoặc thiếu kiểm soát hành động;
Thường khó tập trung cao vào các chi tiết hoặc thường mắc lỗi do cẩu thả khi làm bài ở trường hay các công việc khác;
Khó duy trì sự tập trung vào nhiệm vụ hoặc trong hoạt động giải trí;
Không chăm chú vào những điều người đối thoại đang nói;
Thường né tránh hoặc miễn cưỡng tham gia vào các hoạt động đòi hỏi phải duy trì nỗ lực trí tuệ
Thường hay quên, đãng trí, dễ bị xao nhãng bởi các kích thích bên ngoài.
Hoạt động bóng đá giúp trẻ rèn luyện khả năng tập trung (Ảnh: TH).
2. Quá hiếu động
Thường hay cựa quậy chân, tay hoặc cả người khi ngồi;
Thường rời khỏi ghế trong lớp học, chạy hoặc leo trèo quá mức trong những tình huống không phù hợp;
Gặp khó khăn khi chơi hoặc tham gia một cách yên tĩnh vào các hoạt động giải trí
Thường "luôn chân luôn tay", nói quá nhiều
3. Hấp tấp
Trẻ thường đưa ra câu trả lời trước khi người hỏi đặt xong câu hỏi;
Thường khó chờ đến lượt mình;
Thường cắt ngang hoặc nói leo người khác.
Chuyên gia khuyến cáo, nếu trẻ có những biểu hiện trên, cha mẹ có thể tiến hành kiểm tra tâm lý để xác định xem con bạn đang gặp khó khăn gì, để có cách can thiệp chúng tốt nhất.
"Trẻ em bị ADHD có thể được chẩn đoán từ 3-4 tuổi, nhưng nhiều trẻ không có triệu chứng cho đến khi bắt đầu đi học lớp 1. Chẩn đoán và can thiệp sớm sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao hơn" - ông Phan Thế Hải nói.
Hoàng Lê