Nghiên cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM chỉ ra, chi phí điều trị của bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch lên đến hàng trăm triệu đồng, gấp 5 lần người bệnh nhóm trung bình.
Tại Hội nghị khoa học thường niên 2023 của Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), diễn ra ngày 18/4, điều dưỡng Trần Thị Thúy, khoa Bệnh Nhiệt đới đã báo cáo nghiên cứu về chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 tại đây, do cô và các đồng nghiệp thực hiện.
Theo đó, viện phí chi trả cho chăm sóc y tế trên bệnh nhân Covid-19 không chỉ là mối quan tâm của cá nhân người bệnh, của gia đình, cộng đồng mà còn của các nhà quản lý kinh tế y tế, nhà hoạch định chính sách tại một địa phương, một quốc gia hay khu vực.
Trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất tại TPHCM (từ tháng 8 đến tháng 10/2021), Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 1.576 người bệnh Covid-19.
Trong số này, các thành viên nhóm nghiên cứu đã sàng lọc, chọn ra 139 bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng và nguy kịch, 220 bệnh nhân mức độ trung bình. Theo thống kê, tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân nặng và nguy kịch là 68 tuổi, trong khi ở nhóm trung bình là 58 tuổi. Khoảng 1/3 tổng số bệnh nhân nhập viện có bệnh nền đái tháo đường và tăng huyết áp.
Bệnh nhân điều trị Covid-19 tại khu Hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy, thời điểm năm 2021 (Ảnh: BV).
Kết quả nghiên cứu chỉ ra, tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch cao gấp 5 lần so với bệnh nhân thuộc nhóm trung bình. Chi phí trung bình để điều trị cho người bệnh Covid-19 là 55 triệu đồng/người.
Đáng chú ý, có khoảng cách lớn giữa chi phí điều trị hai nhóm. Cụ thể, ở người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch, chi phí điều trị lên đến khoảng 140 triệu đồng/người, gấp 5 lần người bệnh nhóm nhẹ hơn. Trong đó, tiền thuốc chiếm 2/3 tổng chi phí, chủ yếu là kháng sinh và kháng nấm. Ngoài ra, còn có chi phí cận lâm sàng, thủ thuật, vật tư y tế, dinh dưỡng và những dịch vụ khác.
Chi phí điều trị người nhiễm Covid-19 gia tăng theo mức độ bệnh nặng, tương đương với điều trị cho bệnh nhân nằm tại khoa Hồi sức tích cực. Nhóm nghiên cứu ước tính, chi phí điều trị cho 43.000 bệnh nhân Covid-19 tử vong trên cả nước là hơn 6.000 tỷ đồng, và tỷ lệ tử vong thời điểm đỉnh dịch cũng rất cao.
Một trường hợp bệnh nhân Covid-19 phải chạy ECMO tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: BV).
"Vấn đề đặt ra là phải làm giảm mức độ chuyển nặng của người bệnh. Cần nâng cao nhận thức của người dân, chú ý tiêm vaccine Covid-19 cho đối tượng nguy cơ bệnh nặng, biến chứng nặng, nâng cao ý thức điều trị của người có bệnh nền..." - điều dưỡng Trần Thị Thúy nói.
Ngoài nghiên cứu trên, trước đây, tại TPHCM từng có những trường hợp bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, phải chạy ECMO (hồi sinh tim phổi), với chi phí điều trị lên đến hàng tỷ đồng.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, Hội nghị khoa học thường niên của bệnh viện là một trong những hoạt động đào tạo mang lại nhiều hiệu quả trong thời gian qua. Năm nay, hội nghị có 1 phiên toàn thể và 25 phiên chuyên đề. Trong đó, có 10 phiên chuyên đề ngoại khoa, 6 phiên chuyên đề nội khoa, 3 phiên chuyên đề Cận lâm sàng và 2 phiên chuyên đề Điều dưỡng được diễn ra song song tại 9 hội trường. Có 218 chủ đề ở tất cả các lĩnh vực tại hội nghị, như Hồi sức cấp cứu, Tim mạch, Lồng ngực - Mạch máu, Tai Mũi Họng, Gan Mật Tụy, Tiêu hóa, Thần kinh, Tiết niệu, Huyết học, Ung thư, Nội tiết, Phỏng, Chấn thương chỉnh hình, Cơ xương khớp, Chẩn đoán hình ảnh, Vi sinh, Sinh hóa, Thăm dò chức năng, Ghép tạng..
"Hội nghị Khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy được xem là ngày hội khoa học của ngành Y tế. Sự kiện không chỉ cập nhật những thông tin, kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán và điều trị mà còn đem đến cho người tham dự nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước" - TS.BS Thức nói.
Hoàng Lê