Qua khai thác tiền sử, người bệnh cho biết trước đó 2 ngày, sau bữa ăn có ngậm tăm. Tuy nhiên do ngủ quên nên không biết đã nuốt chiếc tăm vào bụng lúc nào.
Người đàn ông 69 tuổi, sống tại Đông Triều, Quảng Ninh đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí thăm khám vì tình trạng đau bụng.
Qua khai thác tiền sử, người bệnh cho biết trước đó 2 ngày, sau bữa ăn có ngậm tăm. Tuy nhiên do ngủ quên nên không biết đã nuốt chiếc tăm vào bụng lúc nào.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã tiến hành nội soi gắp một chiếc tăm nhọn dài gần 7cm trong bụng bệnh nhân. Đáng chú ý, một đầu tăm găm vào thành dạ dày và đã tạo thành ổ loét tại dạ dày người bệnh.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, dùng tăm để xỉa răng hay ngậm tăm sau bữa ăn và lúc ngủ là một thói quen của không ít người Việt Nam.
Hình ảnh chiếc tăm găm vào dạ dày của người bệnh (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Đây tưởng chừng là một thói quen bình thường nhưng đặc biệt nguy hiểm. Nhất là khi ngủ, chỉ cần ho hoặc hít thở mạnh thì chiếc tăm có thể rơi vào họng và trở thành dị vật đường thở. Hoặc nếu vô tình nuốt phải dị vật có thể gây thủng ruột, dạ dày. Khi đó việc can thiệp, điều trị sẽ rất phức tạp và ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Từ thực tế này, các bác sĩ khuyến cáo, người dân khi có biểu hiện đau bụng thường xuyên, viêm đại trực tràng tái đi tái lại nhiều lần cần đến cơ sở y tế uy tín, để thăm khám và điều trị kịp thời.
Mọi người cũng nên bỏ thói quen ngậm tăm sau ăn, vì có thể bất cẩn, vô ý nuốt phải. Ngoài tăm nhọn, nguy cơ dị vật trong quá trình ăn uống, như: xương cá, răng giả… rất dễ gặp phải, thường xảy ra ở người lớn tuổi và trẻ nhỏ.
Vì vậy, người dân cần tập trung ăn uống, nhai kỹ và bỏ các thói quen không tốt để hạn chế tình trạng dị vật lọt vào đường ăn, đường thở.
Nếu nghi ngờ hóc dị vật hay nuốt xương, cần đến bệnh viện để lấy dị vật càng sớm càng tốt tránh tình trạng dị vật di chuyển trong ống tiêu hóa gây thủng, viêm, loét đường tiêu hóa và các biến chứng nguy hiểm khác.
Minh Nhật/dantri.com.vn