Thông qua các bài tập phong phú, từ nhẹ nhàng đến các tư thế đòi hỏi thể lực, cường độ cao và nhịp độ nhanh, yoga có thể kết nối cơ thể, hơi thở và tâm trí, từ đó cải thiện sức khỏe tổng thể.
Yoga bắt nguồn từ Ấn Độ, bao gồm các bài tập thường tập trung vào 3 yếu tố: tư thế thể chất (asana), kỹ thuật thở (pranayama) và thiền định (dyana). Ngày nay, yoga trở nên phổ biến như một cách để thúc đẩy sức khỏe thể chất, tinh thần.
Tăng sự dẻo dai và linh hoạt
Yoga cung cấp nhiều phong cách để lựa chọn, cường độ khác nhau, từ nhẹ nhàng đến các tư thế đòi hỏi thể lực, nhịp độ nhanh. Một nghiên cứu cho thấy, yoga vừa làm chậm quá trình lão hóa vừa cải thiện tính linh hoạt ở người lớn tuổi.
Giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe tinh thần
Các nghiên cứu cho thấy những lợi ích của yoga đối với sức khỏe, bao gồm kiểm soát căng thẳng, sức khỏe tinh thần và cảm xúc, cải thiện giấc ngủ và sự cân bằng thân - tâm - trí.
Yoga mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe (Ảnh: Freepik).
Bằng cách kết hợp các kỹ thuật thở khác nhau, tương tự như thiền định, việc tuân thủ hít thở chậm hơn, dài hơn, hít vào và thở ra bằng mũi giúp bạn loại bỏ một số tác nhân gây căng thẳng, tâm trí tĩnh lặng. Sau mỗi buổi tập, bạn cảm thấy tích cực, từ đó làm việc hiệu quả hơn.
Giảm đau thắt lưng, cổ vai gáy và khớp gối
Các nghiên cứu cho thấy rằng yoga có lợi đối với những người đau thắt lưng, đau cổ vai gáy, các triệu chứng của đau nửa đầu và viêm khớp gối.
Nhiều tư thế yoga tác động tới các cơ lưng, khớp vai và gối, kết nối toàn cơ thể của bạn (Ảnh: Freepik).
Xã hội hiện đại phụ thuộc vào công nghệ, con người dường như dành nhiều thời gian hơn để ngồi hoặc tập trung trước các thiết bị. Yoga sẽ tạo sự liên kết tốt hơn bằng cách giải phóng các cơ bị căng cứng, cải thiện khả năng vận động của cột sống.
Nhiều tư thế yoga tác động tới các cơ lưng, khớp vai và gối, cũng như có lợi với các cơ khác kết nối với cơ lưng của bạn.
Cải thiện chức năng tim mạch
Pranayama, thường được gọi "hơi thở yoga", là một khía cạnh quan trọng và có lợi của yoga.
Tạp chí Ayurveda và Y học Tích hợp đã công bố một đánh giá về 1.400 nghiên cứu xem xét các tác động tổng thể của pranayama. Một điểm mấu chốt rút ra là hơi thở yoga có thể cải thiện hoạt động của hệ thống tim mạch.
Cụ thể, nghiên cứu được tóm tắt trong bài đánh giá cho thấy hệ thống tim mạch hưởng lợi rất nhiều từ việc kiểm soát nhịp thở, bằng chứng là những thay đổi thuận lợi về nhịp tim, khả năng đột quỵ, áp suất động mạch và khả năng co bóp của tim. Nghiên cứu này chỉ ra rằng hơi thở yoga có thể ảnh hưởng đến trung tâm hô hấp tim mạch của não để cải thiện chức năng.
Thúc đẩy thói quen ăn uống và hoạt động lành mạnh
Một cuộc khảo sát năm 2018 đối với những người trẻ tuổi (có 1.820 người tham gia) cho thấy, tập yoga thường xuyên giúp thúc đẩy thói quen ăn uống và hoạt động thể chất tốt hơn.
Những người tham gia khảo sát cho biết, đặc trưng của cộng đồng yoga là một nhóm xã hội khuyến khích kết nối, nơi việc ăn uống lành mạnh trở nên phổ biến.
Giúp người thừa cân, béo phì giảm cân
Một đánh giá được hỗ trợ bởi Trung tâm Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp Quốc gia Mỹ (NCCIH) đã xem xét 17 chương trình kiểm soát cân nặng dựa trên yoga và nhận thấy rằng yoga giúp giảm cân từ từ, vừa phải.
Đánh giá cho thấy hiệu quả của yoga trong việc giúp nhiều người giảm cân phụ thuộc vào tần suất tập, thời gian tập và việc kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh.
Tập yoga có giảm các chỉ số BMI của cơ thể (Ảnh: Freepik).
Một đánh giá khác, đã xem xét 10 nghiên cứu về yoga ở những người thừa cân hoặc béo phì và phát hiện ra rằng, tập yoga có liên quan đến việc giảm chỉ số khối cơ thể (BMI; thước đo lượng mỡ cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng).
Giúp bỏ thuốc lá hiệu quả
Một nghiên cứu do Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa kỳ tài trợ năm 2019 với 227 người tham gia đã so sánh các lớp học yoga với các lớp học chăm sóc sức khỏe nói chung như là sự bổ sung cho chương trình tư vấn thông thường mỗi tuần một lần. Những người trong nhóm tập yoga có khả năng bỏ hút thuốc cao hơn 37% khi kết thúc chương trình 8 tuần.
Một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2020 cho thấy, cảm giác thèm thuốc lá giảm đi sau một buổi tập yoga. Những người tham gia nghiên cứu là những người đang cố gắng cắt giảm hoặc ngừng hút thuốc.
Giảm các triệu chứng mãn kinh ở phụ nữ trung niên
Đánh giá năm 2018 bao gồm 13 nghiên cứu (hơn 1.300 người tham gia) về yoga đối với các triệu chứng mãn kinh cho thấy, yoga làm giảm "bốc hỏa" ở phụ nữ trung niên, cũng như cải thiện tâm lý như lo lắng hoặc trầm cảm.
Yoga có thể hỗ trợ giảm các triệu chứng mãn kinh ở phụ nữ trung niên (Ảnh: Freepik).
Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người mắc ung thư
Đánh giá năm 2018 với 138 nghiên cứu, trong việc sử dụng yoga ở bệnh nhân mắc các loại ung thư khác nhau (tổng số 10.660 người tham gia), hầu hết các nghiên cứu đều phát hiện ra rằng, yoga giúp cải thiện các triệu chứng về thể chất và tâm lý, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư.
Nhiều nghiên cứu về yoga đã tập trung vào phụ nữ mắc bệnh ung thư vú. Đánh giá năm 2017 với 24 nghiên cứu ở phụ nữ bị ung thư vú (tổng số hơn 2.100 người tham gia) cho thấy, yoga giúp giảm mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ và cải thiện chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe. Tác dụng của yoga tương tự như tác dụng của các loại bài tập khác và tốt hơn so với tác dụng của các chương trình giáo dục sức khỏe dành cho người bệnh mạn tính.
Yoga là một hình thức hoạt động thể chất an toàn cho những người khỏe mạnh khi được luyện tập một cách phù hợp.
Tuy nhiên, cũng như các hình thức hoạt động thể chất khác, bạn có thể bị đau khi tập yoga. Để giảm nguy cơ chấn thương, bạn hãy tập yoga dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên chuyên nghiệp.
Trường Thịnh/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/nhung-loi-ich-tuyet-voi-cua-yoga-voi-suc-khoe-20230530095517231.htm