Mướp đắng giàu thành phần chất xơ, ít calo có hiệu quả trong việc điều chỉnh lượng insulin trong cơ thể, kiềm chế cảm giác thèm ăn, ngăn ngừa sự tích tụ mỡ thừa, giảm béo bụng hiệu quả.
Mướp đắng giàu thành phần chất xơ, ít calo có hiệu quả trong việc điều chỉnh lượng insulin trong cơ thể (Đồ họa: Minh Nhật).
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mướp đắng là nguồn cung cấp vitamin A, vitamin C, chất xơ, các hợp chất chống oxy hóa dồi dào.
Mướp đắng giàu thành phần chất xơ, ít calo có hiệu quả trong việc điều chỉnh lượng insulin trong cơ thể, kiềm chế cảm giác thèm ăn, ngăn ngừa sự tích tụ mỡ thừa, giảm béo bụng hiệu quả.
Mướp đắng là thực phẩm giúp ổn định đường máu hiệu quả, kiểm soát mỡ máu, phòng chống thoái hóa võng mạc mắt, làm đẹp da, hỗ trợ giảm cân, bổ gan và giúp thanh nhiệt cơ thể.
Mướp đắng còn là một nguyên liệu dễ kiếm, giá thành rẻ nên được rất nhiều các chị em yêu thích và lựa chọn sử dụng để giảm cân duy trì vóc dáng săn chắc và cơ thể khỏe mạnh.
Một nghiên cứu trên chuột công bố trong Diabetes Research and Clinical Practice năm 2008 cho thấy mướp đắng có thể giúp chống lại tình trạng mỡ nội tạng. Mỡ nội tạng đặc trưng bởi sự tích tụ của chất béo xung quanh dạ dày và bụng, mỡ nội tạng có liên quan với tăng nguy cơ bệnh tim, tiểu đường và bệnh Alzheimer.
Năm 1998, các nhà khoa học người Mỹ đã tìm ra nguyên tố thanh lọc mỡ trong mướp đắng. Hiện phương pháp giảm béo bằng mướp đắng đã được đưa vào điều trị giảm béo ở nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ.
Đối với một báo cáo được công bố trên Cochrane Database of Systematic Reviews vào năm 2012, các nhà nghiên cứu đã phân tích bốn thử nghiệm lâm sàng được công bố trước đây (với tổng số 479 người tham gia) thử nghiệm những lợi ích tiềm năng của trái mướp đắng trong việc điều trị bệnh tiểu đường. Tác giả của báo cáo đã không chứng minh được tác dụng tích cực của mướp đắng lên đường huyết của người bệnh tiểu đường.
Các chất trong chiết xuất mướp đắng có thể "cắt" nguồn sống của tế bào ung thư (Đồ họa: Minh Nhật).
Theo Healthline, mướp đắng chứa nhiều chất phytochemical như triterpenoids, polyphenol và flavonoid đã được chứng minh là làm chậm sự phát triển của các loại ung thư trong cả nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2021 cho thấy chiết xuất mướp đắng đã kìm hãm một số phân tử đặc biệt. Các phân tử này vốn có nhiệm vụ cho phép glucose và chất béo di chuyển khắp cơ thể, cơ chế này lại vô tình nuôi dưỡng tế bào ung thư và giúp chúng phát triển mạnh.
Nói cách khác, các chất trong chiết xuất mướp đắng đã "cắt" nguồn sống của tế bào ung thư, khiến các khối u ngừng phát triển, thậm chí còn khiến nhiều tế bào ung thư tự chết đi. Kết quả thí nghiệm trên chuột cho thấy sự phát triển các khối u đã giảm trung bình 50%.
Không những thế, nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra rằng, mướp đắng có thể bảo vệ gan chống lại các tổn thương do rượu, do vậy chúng có tác dụng hữu ích trong hỗ trợ cơ thể chống lại gan nhiễm mỡ do rượu, làm giảm các phản ứng viêm ở tế bào.
Trà mướp đắng được y học hiện đại chứng minh là đồ uống có lợi nhất cho việc hấp thụ của cơ thể (Đồ họa: Minh Nhật).
Mướp đắng có thể ăn sống hoặc chế biến thành nhiều món ngon như: mướp đắng xào trứng, mướp đắng nhồi thịt, mướp đắng thái mỏng ăn cùng ruốc…
Mướp đắng (dạng tươi, dạng khô) còn là vị thuốc dân gian hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường, giảm mỡ máu…
Đáng chú ý, trà mướp đắng được y học hiện đại chứng minh là đồ uống có lợi nhất cho việc hấp thụ của cơ thể, có thể phát huy được đến 80% thành phần dinh dưỡng, cách làm trà mướp đắng cũng rất đơn giản.
Cách làm như sau:
Cắt mướp đắng thành những miếng mỏng 1-2 mm, cho lên chảo sấy khô, đảo đi đảo lại cho khô nước.
Mướp khô xong chuyển thành màu nâu, để nguội sau đó cho vào hộp đậy kín, cất trong ngăn lạnh của tủ lạnh, có thể để được 2 tháng.
Khi uống lấy ra cho nước nóng vào pha như pha trà bình thường, mỗi ngày uống 3 - 4 ly là được.
Minh Nhật