Tăng huyết áp - bệnh thầm lặng khiến nhiều người chủ quan

Thứ 6, 02.06.2023 | 14:34:40
943 lượt xem

Tăng huyết áp là bệnh rất thường gặp, được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng". Bệnh dễ chẩn đoán, song nhiều người chủ quan, thậm chí chỉ biết bệnh khi có các tai biến nguy hiểm như đột quỵ, tai biến mạch máu não...

Tăng huyết áp - bệnh dễ chẩn đoán

Chia sẻ tại hội thảo "Giải pháp toàn diện quản lý tăng huyết áp" diễn ra ngày 19/5 tại Bệnh viện Đa khoa Mê Linh (Hà Nội), BS. Nguyễn Mạnh Nhanh, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mê Linh cho biết, cao huyết áp vẫn là gánh nặng, không chỉ gia tăng số lượng bệnh nhân mà còn là các biến cố nặng nề. Việc bệnh nhân uống thuốc đều đặn là vô cùng quan trọng. 

Bản thân cũng là một bệnh nhân tăng huyết áp, BS. Nhanh nhấn mạnh: "Tôi tuân thủ việc sử dụng thuốc rất nghiêm ngặt, nhờ đó huyết áp của tôi duy trì ở mức ổn định, cao nhất cũng chỉ 130". 

TS. BS. Hoàng Việt Anh, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Phó khoa C2, Viện Tim mạch Quốc gia cũng cho biết thêm, thống kê tại nước ta, cứ 4 người trên 25 tuổi thì có một người bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp tại Việt Nam gia tăng đáng kể trong thời gần đây.

Tăng huyết áp - bệnh thầm lặng khiến nhiều người chủ quan - 1

BS. Nguyễn Mạnh Nhanh, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mê Linh chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: Ngaydautien.vn).

"Tăng huyết áp là vấn đề rất phổ biến trong cộng đồng, ở rất gần quanh ta, có thể là người thân hay chính bản thân chúng ta. Chúng ta xác định sống chung, không sợ nhưng không được coi thường. Chẩn đoán bệnh không khó, thậm chí rất dễ vì chỉ cần máy đo huyết áp. Vấn đề là chúng ta có ý thức về nó hay không", BS. Việt Anh chia sẻ. 

Chẩn đoán bệnh dễ là vậy nhưng nhiều người chỉ biết bệnh khi bỗng dưng đau đầu dữ dội, thậm chí là khi đã có tai biến.

Ông Nguyễn Viết Cương (66 tuổi, Mê Linh, Hà Nội) phát hiện bị tăng huyết áp từ 12 năm trước - khi ông lên cơn đau đầu dữ dội, phải đến viện cấp cứu.

 Ông rất bất ngờ khi biết mình bị tăng huyết áp, huyết áp vọt lên 200. Ông đã phải nằm viện điều trị một tuần. Sau lần đó, ông mới chú trọng kiểm soát huyết áp, tuân thủ điều trị theo đơn của bác sĩ, bỏ rượu bia, chăm chỉ tập thể dục…

Hay như trường hợp bệnh nhân 77 tuổi, được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Mê Linh cấp cứu ngày 10/5 trong tình trạng đau đầu, nôn nhiều. Huyết áp đo được tại thời điểm này là 240/110mmHg, rất may chưa phát hiện tổn thương thần kinh khu trú.

Tại thời điểm trước khi nhập viện, bệnh nhân quên uống thuốc 2 ngày.

Tự ý bỏ thuốc điều trị - điều vô cùng nguy hiểm

Theo BS. Việt Anh, kiểm soát huyết áp tích cực giúp giảm biến cố tim mạch như suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Để giảm các biến cố này không khó, người bệnh cần đo huyết áp nhiều lần trong ngày, đo khi đau đầu, kiểm soát huyết áp dưới 140/90mmHg, dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, ăn nhạt, hạn chế tăng cân, tăng vận động... 

"Điều bệnh nhân cần biết là con số huyết áp giảm là giảm được nguy cơ tử vong, biến chứng. Mỗi 2mm thủy ngân huyết áp giảm được có thể giúp giảm 7% nguy cơ tử vong, 10% nguy cơ đột quỵ. Việc giảm thực sự rất dễ chỉ cần uống thuốc, nhưng đây chỉ là bước đầu, quan trọng là duy trì được chỉ số này", chuyên gia Viện Tim mạch Quốc gia nhấn mạnh. 

Nhiều nghiên cứu cho thấy khi huyết áp tăng lên 2mmHg với huyết áp tâm thu hoặc 10mmHg với huyết áp tâm trương thì tăng gấp đôi tỷ lệ tử vong do các vấn đề tim mạch. 

Tăng huyết áp - bệnh thầm lặng khiến nhiều người chủ quan - 2

Tuân thủ điều trị vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân tăng huyết áp (Ảnh: Ngaydautien.vn).

"Ví tăng huyết áp giống như lò xo, việc dùng thuốc là để nén lò xo, bỏ bàn tay nén thì nó lại bật lên, thậm chí bật mạnh mẽ hơn. Tăng huyết áp không bao giờ khỏi được. Người bệnh cần điều trị bệnh suốt đời, phối hợp nhiều thuốc, kết hợp nâng liều để đảm bảo hiệu quả", BS. Việt Anh nói. 

Tăng huyết áp - bệnh thầm lặng khiến nhiều người chủ quan - 3

Chung quan điểm, BS. Lê Thị Dung - khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh - cho biết thêm, tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị tại bệnh viện đã tăng từ 30-40% lên 80-90%, số còn lại bỏ thuốc đa số là người già. Có được điều này là nhờ nhân viên y tế gọi điện, hỏi thăm nhắc bệnh nhân uống thuốc. 

Và việc cài đặt app Elfie cho bệnh nhân, chia sẻ cho người thân trong gia đình sẽ mang lại nhiều lợi ích, giúp bệnh nhân có công cụ theo dõi, kiểm soát huyết áp tại nhà - ghi lại biến đổi trong huyết áp, nhập chỉ số về thuốc…. Đồng thời, app cũng tích hợp giải pháp "game hóa" để kích thích bệnh nhân sử dụng công cụ hàng ngày mà không bị chán.

Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam cùng với dự án Ngày Đầu Tiên tiếp tục phát động chương trình Tháng Kiểm soát huyết áp toàn diện với thông điệp: "Bệnh nhân tăng huyết áp cần nhớ uống thuốc chuẩn 3Đ: đúng thuốc, đủ liều, đều mỗi ngày".

Chương trình diễn ra từ ngày 8/5 đến 30/6, thực hiện đo huyết áp miễn phí, tư vấn bệnh nhân nhằm nâng cao chất lượng kiểm soát bệnh tăng huyết áp tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc; triển khai mô hình kiểm soát huyết áp toàn diện tại 5 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa Mê Linh, Bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công An, Bệnh viện Giao thông Vận tải, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Bệnh viện Nông Nghiệp.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/tang-huyet-ap-benh-tham-lang-khien-nhieu-nguoi-chu-quan-20230602103518088.htm

  • Từ khóa