Sách cổ coi đông trùng hạ thảo bổ ngang nhân sâm. Chúng có tên gọi như vậy vì vào mùa đông chúng là con sâu, mùa hạ lại thành cây cỏ.
Đông trùng hạ thảo là loại thảo dược đắt đỏ bậc nhất, được đánh giá là "vàng mềm" và có giá trị dinh dưỡng cao.
Đó là lý do thời xa xưa, các mỹ nhân Trung Hoa như Dương Quý Phi, Võ Tắc Thiên hay Từ Hy Thái hậu đều sử dụng đông trùng hạ thảo để bảo dưỡng cơ thể, dưỡng nhan hiệu quả.
Nhà khoa học, lương y đa khoa Quốc gia Bùi Đắc Sáng (Hội Đông Y Hà Nội) cho biết, theo tài liệu cổ (Đông y), đông trùng hạ thảo có vị ngọt, tính ôn. Công dụng ích phế thận, bổ tinh tủy, cầm máu, hóa đàm.
Đông trùng hạ thảo là loại thảo dược đắt đỏ bậc nhất (Ảnh: Getty).
Một số món ăn, bài thuốc từ đông trùng hạ thảo
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng cho biết, đông trùng hạ thảo có thể được dùng theo nhiều cách khác nhau. Có thể bổ sung vào các món hầm như gà hầm, ba ba hầm, hoặc có thể ngâm rượu, hãm trà...
Cách dùng như sau:
- Trị suy nhược cơ thể, viêm khí quản: 10g đông trùng hạ thảo, 6g khoản đông hoa, 8g tang bạch bì, 2g tiểu hồi hương, 4g cam thảo.
Bạn cho tất cả nguyên liệu vào, đổ cùng 600ml nước sạch, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Mỗi thang uống một ngày. Bài thuốc có tác dụng thanh phế, dưỡng thận, kháng viêm.
- Mát phổi, ích khí tráng dương: Dùng 1-2g đông trùng hạ thảo đem đi tráng bằng nước nóng, sau đó hãm trong nước nóng 60 - 70 độ C. Để khoảng 5 phút, bạn có thể sử dụng, vừa uống vừa nhai cả bã đông trùng hạ thảo.
Đông trùng hạ thảo là nguyên liệu của nhiều món ăn bổ dưỡng (Ảnh: Getty).
- Trợ dương cho nam giới: Chuẩn bị 1 con vịt, 10g đông trùng hạ thảo, gừng tươi, hạt tiêu, gia vị vừa đủ. Sau khi dùng rượu làm sạch vịt, bạn cho đông trùng hạ thảo vào bụng con vịt, đổ gia vị rồi hầm nhừ.
Mỗi tuần dùng 1 lần, ăn thịt và uống nước hầm.
Những đối tượng nào nên thận trọng khi dùng đông trùng hạ thảo?
Lương y Sáng cho hay, những nhóm người dùng đông trùng hạ thảo đem lại hiệu quả tốt bao gồm người gầy yếu, suy dinh dưỡng, người lớn tuổi...
Dưới đây là một số nhóm người được khuyến cáo không nên sử dụng nhiều đông trùng hạ thảo:
- Trẻ em dưới 5 tuổi không nên dùng vì thân nhiệt trẻ có tính nóng, dùng đông trùng hạ thảo sẽ gây khó chịu cho cơ thể.
- Đông trùng hạ thảo có tính ấm nên không thể sử dụng cho những bệnh thuần ấm như sốt, có thể khiến tình trạng bệnh thêm nặng.
- Người bị rối loạn đông máu, máu khó đông nên tránh dùng đông trùng hạ thảo. Vì các hoạt chất cordyceps trong đông trùng sẽ khiến máu thêm khó đông và chảy nhiều hơn.
Đông trùng hạ thảo có tính ấm nên không thể sử dụng cho những bệnh thuần ấm như sốt (Ảnh: Getty).
- Thành phần có trong đông trùng hạ thảo sẽ làm gia tăng lượng hồng cầu, khiến máu khó đông hơn, ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật. Do đó, người chuẩn bị phẫu thuật nên tránh dùng.
- Phụ nữ mang thai ở các tháng đầu tiên cũng thuộc nhóm đối tượng hạn chế sử dụng đông trùng hạ thảo.
Đông trùng hạ thảo tốt nhưng không nên lạm dụng. Lạm dụng quá nhiều có thể gây chóng mặt, rối loạn nhịp tim... Người lớn mỗi ngày có thể sử dụng 3-8g. Trong trường hợp đang sử dụng thuốc, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng đông trùng.
Tên gọi đông trùng hạ thảo xuất phát từ việc vào mùa đông chúng là con sâu, mùa hạ lại thành cây cỏ. Sách cổ coi đông trùng hạ thảo bổ ngang nhân sâm.
Loại dược liệu quý này đã xuất hiện trong y học của Tây Tạng từ thế kỷ XV, sau đó dần phổ biến vào Trung Quốc. Đông trùng hạ thảo có nhiều loại, tuy nhiên loại nguyên con Tây Tạng là quý hiếm và có giá thành đắt đỏ nhất.
Anh Sa/dantri.com.vn