Cô gái có 7 loại giun sán ký sinh trong người vì mê loại rau này

Thứ 2, 03.07.2023 | 09:29:21
885 lượt xem

Bị ngứa da lâu năm chữa đủ mọi cách không khỏi, cô gái tá hỏa khi biết mình có 7 loại giun sán ký sinh trong người.

Người thường xuyên xuất hiện tình trạng ngứa, Chi (tên nhân vật đã được thay đổi), 26 tuổi, sống tại Quảng Bình chọn cách tự điều trị tại nhà.

Chi tìm mua nhiều loại thuốc uống, thuốc bôi liên quan đến bệnh ngoài da và bệnh gan theo kinh nghiệm và người quen mách bảo nhưng vẫn không đỡ. Tình trạng ngứa khiến cuộc sống của Chi bị đảo lộn.

Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện ở gần nhà, tình trạng không thấy thuyên giảm nên Chi quyết định đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thăm khám.

Cô gái có 7 loại giun sán ký sinh trong người vì mê loại rau này - 1

Sán ký sinh trong cơ thể người (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Theo BS Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với 7/9 loại giun sán phổ biến: sán lá gan nhỏ, sán lợn, sán dây chó, sán lá phổi, sán máng, giun lươn và giun đũa chó, mèo.

"Bệnh nhân chia sẻ không có thói quen ăn các loại thịt sống, gỏi. Tuy nhiên, khi khai thác sâu tiền sử, bệnh nhân chia sẻ rằng, có thói quen ăn rau sống. Rau sống không được vệ sinh kỹ có thể là nguyên nhân dẫn đến việc bạn nữ này nhiễm trứng giun sán", BS Thiệu cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng 3-4 loại thuốc giun sán trong thời gian 21 ngày. Sau khi khỏi một loại giun sán sẽ giãn cách 1-2 ngày rồi tiếp tục điều trị loại khác.

Đến hiện tại, ngoài tổn thương về da, BS Thiệu cho biết, chưa phát hiện tổn thương tại cơ, não hay các bộ phận khác của bệnh nhân.

Đáng chú ý, BS Thiệu thông tin, số lượng các ca nhiễm giun sán, ký sinh trùng có xu hướng giảm so với trước đây do người dân hạn chế sử dụng mô hình canh tác vườn ao chuồng. Tuy vậy, mức độ nghiêm trọng của các ca bệnh vẫn ở mức đáng báo động.

"Hầu hết các bệnh nhân đều mắc đồng thời nhiều loại giun sán. Bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn, sán lá gan bé có thể chịu tổn thương tại gan, tăng men gan, áp xe gan, trở nên chán ăn và mệt mỏi. Nhiễm giun đũa chó mèo lại gây ngứa dai dẳng, khiến cuộc sống người bệnh gặp nhiều khó khăn.

Các ca nhiễm giun sán, ký sinh trùng sẽ trở nên nghiêm trọng nếu bệnh nhân bị tổn thương hệ thần kinh trung ương, gây động kinh, co giật", BS Thiệu nhấn mạnh.

BS Thiệu chia sẻ: "Ngày trước, độ tuổi mắc các bệnh giun sán, ký sinh trùng nhiều nhất là trẻ nhỏ do thói quen cho tay vào miệng. Hiện tại, mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao do thói quen ăn uống và sinh hoạt không hợp vệ sinh như ăn đồ sống".

Tỉ lệ mắc bệnh giun sán, ký sinh trùng cũng tập trung theo vùng miền. Ví dụ vùng Tây Bắc, Sơn La, người dân thường ăn gỏi, ăn đồ sống chưa qua chế biến hay cư dân miền biển, ăn nhiều món hải sản tươi sống nên tỉ lệ mắc bệnh thường cao hơn.

Theo BS Thiệu, nguyên nhân mắc các bệnh giun sán, ký sinh trùng 99% đến từ thói quen ăn uống, số ít còn lại có thể lây nhiễm qua da từ thói quen đi chân trần.

Để phòng, ngừa các bệnh do giun sán, ký sinh trùng, BS Lê Văn Thiệu khuyến cáo người dân cần tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc:

- Ăn chín, uống sôi.

- Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh.

- Tẩy giun sán định kỳ cho chó mèo.

- Uống thuốc giun định kỳ một năm 3 lần, mỗi lần cách nhau 4 tháng (liều lượng tùy vào độ tuổi theo chỉ định của bác sĩ).


Minh Nhật và Ngọc Minh

https://dantri.com.vn/suc-khoe/co-gai-co-7-loai-giun-san-ky-sinh-trong-nguoi-vi-me-loai-rau-nay-20230702210713420.htm

  • Từ khóa