Bệnh lý tim mạch đang có xu hướng trẻ hóa. Ngày nay, các bác sĩ gặp nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim ở tuổi ngoài 20, nhiều trường hợp hơn 30 tuổi đã phải làm cầu nối mạch vành, đặt stent.
Chia sẻ bên lề hội nghị Khoa học Tim mạch diễn ra tại Hà Nội, sáng 8/7, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, Chủ tịch Hội tim mạch Hà Nội cho biết, bệnh lý tim mạch hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới và tại Việt Nam, sau đó mới đến ung thư và các bệnh lý khác.
"Bệnh lý tim mạch thực sự là gánh nặng cho xã hội, thế giới. Đặc biệt, tỷ lệ người trẻ mắc bệnh đang tăng lên. Chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim ở tuổi ngoài 20, nhiều trường hợp chỉ mới hơn 30 tuổi đã phải làm cầu nối mạch vành, đặt stent…", PGS Hiền nói.
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, Chủ tịch Hội tim mạch Hà Nội (Ảnh: Nam Phương).
Đặc biệt ở Việt Nam những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên rất nhiều. Sự thay đổi này là do nhiều yếu tố, trong đó có lối sống như chế độ ăn không hợp lý, hút thuốc lá, uống rượu bia, thói quen lười vận động… Tất cả đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, công việc căng thẳng, stress tinh thần cũng làm gia tăng bệnh tim mạch.
Bà Trần Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết thêm, báo của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết tỷ lệ mắc bệnh tim mạch ngày càng tăng cao ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, chi phí cho khám, chữa bệnh tim mạch cũng là gánh nặng kinh tế với hàng trăm tỷ đô la mỗi năm.
Dấu hiệu bệnh tim mạch thường xuất hiện thoáng qua, không rõ ràng, khiến người bệnh không để ý cho đến khi có các dấu hiệu nặng. Kèm theo đó là gánh nặng kinh tế khi bệnh chuyển biến phức tạp, cần phác đồ, phương pháp phẫu thuật, thủ thuật can thiệp tốn kém hơn.
Theo bà, bệnh tim mạch là bệnh có thể phòng được, có thể can thiệp giảm nguy cơ mắc, giảm mức độ nặng thông qua việc nâng cao nhận thức của người dân, duy trì thói quen tốt, khám sàng lọc, theo dõi sức khỏe thường xuyên.
Cũng theo PGS Hiền, ngày nay ngoài chú trọng chữa bệnh, an toàn cho người bệnh, vấn đề thẩm mỹ cũng được đặt lên ngang hàng với vấn đề chữa bệnh. Bệnh viện Tim Hà Nội đã triển khai nhiều kỹ thuật mổ ít xâm lấn, phẫu thuật nội soi hoặc các đường mổ rất nhỏ.
Ngày xưa, để phẫu thuật, các bác sĩ thường phải mổ dọc xương ức. Người bệnh chịu vết mổ rất lớn, đôi khi để lại hậu quả nặng nề như biến dạng lồng ngực, viêm xương ức dẫn đến tử vong.
Nhưng ngày nay nhờ kỹ thuật nội soi, rất nhiều bệnh tim có thể phẫu thuật ít xâm lấn như thay van tim, van động mạch chủ, sửa các van tim, thậm chí là chỉnh sửa dị tật trong bệnh lý tim bẩm sinh.
"Điều này vừa đảm bảo an toàn vừa giảm đau, giảm biến chứng, đặc biệt yếu tố thẩm mỹ rất cao. Các kỹ thuật này của Việt Nam đạt trình độ ngang tầm thế giới, chúng ta không thua kém bất kỳ nước nào trong lĩnh vực phẫu thuật tim ít xâm lấn", PGS Hiền nói.
Để phòng bệnh, mỗi người dân cần trang bị các kiến thức về các bệnh lý tim mạch, duy trì thói quen sống lành mạnh ngay từ khi còn trẻ như tập thể dục, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế bia rượu thuốc lá, hạn chế căng thẳng, có cuộc sống thể chất và tinh thần hài hòa…
Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn dưới 5g muối/ngày, ăn nhiều rau quả, cá, hạn chế chất béo có hại, đồ ăn ngọt… Rau xanh và hoa quả có nhiều vitamin, chất khoáng, trong khi chúng cung cấp rất ít calo.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/benh-ly-gay-tu-vong-hang-dau-dang-tre-hoa-20230708124859389.htm