Dấu hiệu cảnh báo căn bệnh "giết người thầm lặng"

Thứ 5, 20.07.2023 | 07:29:10
448 lượt xem

Tăng huyết áp được ví như "kẻ giết người thầm lặng". Bệnh có thể xuất hiện mà không có bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào, cho đến khi nó bắt đầu ảnh hưởng đến các cơ quan như tim, thận...

Tại nước ta ước tính cứ 4 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp. Đáng lo hơn, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều người mắc bệnh khi đang còn trong độ tuổi lao động.

Chẩn đoán tăng huyết áp rất đơn giản, nhưng thực tế vẫn có khoảng 50% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp. Người dân còn chủ quan, chưa chú trọng việc đo huyết áp và tầm soát, khiến số người bệnh được chẩn đoán vẫn chiếm tỷ lệ thấp.

Trong số 50% còn lại biết bệnh, chỉ một nửa là điều trị đạt mục tiêu kiểm soát huyết áp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tăng huyết áp không được kiểm soát là một trong nhiều yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch như đau tim, đột quỵ và các tình trạng mãn tính khác…

Nhận biết sớm các dấu hiệu của tăng huyết áp là rất quan trọng để được điều trị sớm và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm… Người bệnh có thể kiểm soát huyết áp hiệu quả thông qua thay đổi lối sống và thậm chí cả thuốc khi cần thiết.

Dấu hiệu cảnh báo căn bệnh giết người thầm lặng - 1

Đo huyết áp định kỳ là cách đơn giản nhất để biết bạn có bị tăng huyết áp không (Ảnh minh họa: Nam Phương).

Điều bệnh nhân cần biết là con số huyết áp giảm là giảm được nguy cơ tử vong, biến chứng. Mỗi 2mm thủy ngân huyết áp giảm được có thể giúp giảm 7% nguy cơ tử vong, 10% nguy cơ đột quỵ.

Huyết áp có thể tăng lên mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Một số trường hợp có thể xuất hiện một số dấu hiệu nhưng thường không rõ ràng. Chỉ khi bệnh tăng huyết áp trở nặng, người bệnh mới cảm nhận rõ ràng những triệu chứng tăng huyết áp.

Một số triệu chứng điển hình nghi ngờ bệnh tăng huyết áp: 

- Đau đầu, hoa mắt, ù tai, mất thăng bằng. 

- Thở nông.

- Chảy máu mũi.

- Đau ngực, khó thở, tim đập nhanh.

- Chóng mặt.

- Mắt nhìn mờ. 

- Mặt đỏ, buồn nôn, ói mửa.  

- Tiểu máu. 

- Mất ngủ. 

Bên cạnh đó, theo Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, một số triệu chứng ở chân và bàn chân cũng có thể cảnh báo tăng huyết áp:

- Chân lạnh

Tăng huyết áp có thể làm hỏng các mô mỏng manh bên trong động mạch. Một số động mạch này cũng có ở chân và bàn chân. Đây là lúc quá trình lưu thông máu ở chân và bàn chân trở nên kém hơn. Do lưu thông máu kém, bệnh nhân có thể bị lạnh chân.

- Thay đổi màu da ở chân

Một triệu chứng khác của tăng huyết áp có thể xuất hiện là sự thay đổi đột ngột về màu da quanh chân và bàn chân. Bệnh nhân có thể phát triển ngón chân đỏ hoặc xanh. 

- Cảm giác ngứa ran

Một dấu hiệu khác của huyết áp cao mà người bệnh cần biết là cảm giác ngứa ran ở chân và bàn chân.

- Rụng lông chân

Rụng lông bất ngờ ở chân và bàn chân (trong một số trường hợp) cũng có thể là dấu hiệu của huyết áp cao.

- Các triệu chứng khác của ở chân và bàn chân khi huyết áp quá cao gồm: Tê hoặc yếu chân, không có hoặc mạch yếu ở chân hoặc bàn chân, da sáng bóng ở chân,  móng chân phát triển chậm, vết loét ở ngón chân, bàn chân lâu lành…


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/dau-hieu-canh-bao-can-benh-giet-nguoi-tham-lang-20230719095720046.htm

  • Từ khóa