Quả na là loại trái cây ưa thích của nhiều người. Nó còn có hàm lượng dinh dưỡng cao với thành phần đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, liệu bạn đã biết cách ăn đúng cách để có lợi cho sức khỏe?
Quả na giàu chất xơ hòa tan, protein, lượng nhỏ chất béo, vitamin C, vitamin B6, kali, riboflavin, thiamine, folate, niacin, axit pantothenic, mangan, magie, đồng, phospho, sắt. 100g thịt quả na cung cấp cho cơ thể khoảng 70-80 calo.
Trong quả na cũng có chứa polyphenolic. Đây là chất chống oxy hóa rất cao. Nổi bật nhất là acetogenin annonaceous với các hợp chất asimicin và annonacin là những cytotoxin mạnh. Đây là những hợp chất có khả năng chống ung thư.
TS.Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, quả na có chứa các hợp chất chống oxy hóa như flavonoid, carotenoid, vitamin C và axit kaurenoic có thể giúp chống lại stress oxy hóa, từ đó giúp giảm tỷ lệ tử vong do tim mạch và giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Quả na có nhiều giá trị dinh dưỡng cho sức khỏe (Ảnh minh họa: K.L).
Chúng cũng có tác dụng chống viêm và chống chất gây ung thư. Trên nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng axit kaurenoic giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng.
Na cũng chứa carotenoid và flavonoid chống viêm giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính.
Đặc biệt, na cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch. Loại trái cây này cung cấp vitamin C, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và nhiều bệnh tật. Các nghiên cứu cho thấy thiếu vitamin C có thể gây suy giảm khả năng miễn dịch và dễ bị nhiễm trùng hơn.
Loại trái cây phổ biến này cũng chứa một số hợp chất giúp tăng cường sức khỏe tim mạch bao gồm các chất chống oxy hóa như carotenoid, vi chất dinh dưỡng như kali và magie và chất xơ. Nghiên cứu cho thấy kali giúp làm giảm huyết áp cao ở những người bị bệnh tăng huyết áp và giảm nguy cơ đột quỵ.
Ăn na thế nào để tốt cho sức khỏe?
Theo TS Giang, quả na đã được dùng từ rất lâu đời, ai ai cũng biết về công dụng bổ dưỡng của nó. Tuy nhiên các bộ phận khác từ hạt, lá, thân, rễ cũng có nhiều tác dụng dược lý như gây độc tế bào ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm, diệt ký sinh trùng… đang được khoa học quan tâm nghiên cứu.
"Vì thế chúng có độc tính nên chúng ta không được tự ý sử dụng", TS Giang nhấn mạnh.
Ngoài ra, khi ăn na, bạn không được cắn vỡ hạt na bởi hạt na có độc tính. Hạt na chứa các acetogenin như squamosten A, anoslin, neo-desacetyluvaricin, neo-anonin-B, neo-reliculatacin A, các squamocin, các squamostatin...
Dù vậy, theo chuyên gia, nếu không may nuốt phải hạt, chúng ta cũng không cần quá lo lắng. Lớp vỏ cứng dày bao bọc bên ngoài hạt sẽ không làm hạt na phát độc chất ra ngoài. Tuy nhiên, khi ăn nên cẩn thận vì hạt na khi nuốt vào có thể gây sặc, hóc.
Khi ăn na bạn nên chọn những quả to tròn, mắt to, kẽ mắt trắng, cuống nhỏ, chín mềm không nứt, vỏ không có đốm đen, nên mua trái cây rõ nguồn gốc xuất xứ, tốt nhất là na hữu cơ. Không nên ăn những quả vỏ có nhiều vảy trắng, nhiều vết nứt nẻ, bị chảy nước, những quả này thường bị thối, có giòi.
Quả na có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, nhưng cần phải ăn đúng cách để đạt lợi ích tối đa, đặc biệt tránh những tác dụng không mong muốn.
"Chúng ta chỉ nên ăn một quả mỗi ngày. Theo y học cổ truyền na có vị ngọt chua, tính ấm, nếu ăn quá nhiều có thể sẽ gây nóng, táo bón, mọc mụn. Nên ăn vào bữa phụ thay thế cho các loại bánh kẹo ngọt, đồ ăn nhanh", TS Giang lưu ý.
Hà An