Việt Nam đứng 11/30 nước có gánh nặng về lao và bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu. Mỗi năm nước ta có khoảng 169.000 ca mắc lao mới, khoảng 14.200 ca tử vong.
Tăng thêm gánh nặng vì Covid-19
Ngày 3/8, tại hội thảo tổng kết dự án sàng lọc bệnh lao, Covid-19 và một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến ở tuyến y tế cơ sở, PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó trưởng ban điều hành Chương trình lao Quốc gia cho biết, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng về bệnh lao.
Các đại biểu tham gia thảo luận (Ảnh: Dung Dung).
Theo thống kê, Việt Nam đứng 11/30 nước có gánh nặng về bệnh lao và bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu. Ước tính, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 169.000 ca bệnh lao mới mắc, 8.900 trường hợp kháng đa thuốc và khoảng 14.200 ca tử vong.
Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến công tác phòng chống lao, làm trầm trọng hơn gánh nặng do bệnh lao vốn đã rất cao tại Việt Nam.
"Năm 2021, số bệnh nhân lao được phát hiện, điều trị giảm khoảng 23%, tương đương với khoảng 23.000 người nhiễm lao mới không được phát hiện, điều trị. Covid-19 cũng là nguyên nhân gia tăng khoảng 30% số ca tử vong do lao so với năm 2021", PGS Hòa thông tin.
Dấu hiệu bệnh lao dễ nhầm với bệnh hô hấp thông thường khác, dễ nhầm với Covid-19 với biểu hiện ho, sốt (Ảnh: PV).
PGS Hòa cho biết từ tháng 9/2022 đến tháng 6/2023, Chương trình Chống lao Quốc gia và Tổ chức Find đã phối hợp triển khai dự án "Sàng lọc lao, Covid-19 và một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến ở tuyến y tế cơ sở".
6 tháng triển khai khám sàng lọc, hơn 22.600 người dân đã được sàng lọc lao, Covid-19 và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác. Trong đó, 3.776 người được sàng lọc lao, phát hiện 78 ca lao thường, 3 ca lao kháng thuốc.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng Văn phòng Find Việt Nam, cho biết dự án được triển khai tại huyện Ứng Hòa và huyện Phúc Thọ (Hà Nội) với 57 cơ sở y tế tham gia.
Theo đó, những người có triệu chứng nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính được khám sàng lọc Covid-19, cúm A, B và virus hợp bào hô hấp (RSV).
Với nhóm trẻ em dưới 15 tuổi có triệu chứng hô hấp hoặc phát ban, nổi hạch bạch huyết, buồn nôn và nôn mửa được xét nghiệm liên cầu nhóm A, bên cạnh các xét nghiệm COVID-19, cúm A, B và RSV.
Bệnh lao: Có thể chữa khỏi
PGS Hòa cho biết, bệnh lao được coi là "kẻ giết người thầm lặng" bởi diễn biến âm thầm. Tuy nhiên, bệnh lao thông thường có thể chữa khỏi hoàn toàn khi tuân thủ phác đồ và thời gian điều trị, tỉ lệ khỏi bệnh có thể đạt tới trên 90%.
Chuyên gia này cho biết, hoạt động sàng lọc lao, Covid-19 và một số bệnh đường hô hấp phổ biến tại cơ sở ở Việt Nam được xuất phát từ ý tưởng sàng lọc đồng thời hai căn bệnh có một số triệu chứng gần giống nhau sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động phòng chống lao đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, hoạt động sàng lọc đồng thời lao, Covid-19 và một số bệnh hô hấp như cúm A, B, bệnh đường hô hấp do virus hợp bào RVS và liên cầu khuẩn nhóm A được triển khai từ tháng 11/2022.
Tính đến hết tháng 6/2023, kết quả của hoạt động sàng lọc này đã cho thấy tỷ lệ phát hiện bệnh lao so với cùng kỳ năm trước đạt mức rất cao. Như tại huyện Ứng Hòa số ca lao phát hiện gấp 2,6 lần, Phúc Thọ số ca lao phát hiện gấp khoảng 2 lần.
Bên cạnh đó một số lượng lớn các ca Covid-19 vẫn được phát hiện (mặc dù đã qua giai đoạn dịch), hàng nghìn ca cúm A, B, viêm đường hô hấp do liên cầu khuẩn nhóm A hay virus hợp bào RSV cũng được phát hiện.
Dự án một lần nữa nhấn mạnh nỗ lực của Chương trình Chống lao Quốc gia và Find trong việc hỗ trợ tăng cường năng lực chẩn đoán tại tuyến y tế cơ sở, từ đó tăng cường tiếp cận các chẩn đoán thiết yếu cho người dân, đặc biệt là khu vực còn nhiều khó khăn.
Chuyên gia khuyến cáo, bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.
Hồng Hải