Đi bộ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên một dáng đi không đúng cách có thể dẫn đến nhiều vấn đề ở đầu gối, co cơ, đau lưng… Vì thế, bạn cần tránh 7 sai lầm dưới đây.
Theo Trường Y Harvard, với hầu hết chúng ta việc đi bộ diễn ra một cách tự nhiên đến nỗi chúng ta thậm chí có thể không nghĩ đến kỹ thuật đi bộ thích hợp. Nhưng một dáng đi không đúng cách có thể dẫn đến nhiều vấn đề, bao gồm cả chứng cứng cổ.
Tin tốt là bạn hoàn toàn có thể sửa thói quen đi bộ đã ăn sâu hàng thập kỷ bằng một chút công sức. Dưới đây là 7 điều bạn cần sửa để có dáng đi phù hợp:
1. Sải chân quá dài
Khi cố gắng đi bộ nhanh hơn, xu hướng tự nhiên là chúng ta sẽ kéo dài sải chân về phía trước, vươn ra xa hơn bằng bàn chân. Điều này dẫn đến dáng đi vụng về, dùng chân đập mạnh. Khi đó, ống chân bị đau và bạn thực sự không thể đi nhanh hơn được nữa.
Sải chân quá dài thậm chí có thể khiến bạn mất thăng bằng. Vì thế, nếu bạn đang cố gắng đi bộ nhanh, hãy tập trung vào việc thực hiện các bước ngắn hơn, nhanh hơn.
Bạn có thể đi bộ ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào (Ảnh: Getty).
2. Chọn giày sai
Theo Verywell Fit, không phải tất cả giày đi bộ đều tốt cho việc đi bộ. Khi không chọn đúng giày phù hợp, bạn sẽ phải đối mặt với các tình trạng như viêm cân gan bàn chân, co cơ, vấn đề về đầu gối…
Theo đó, giày đi bộ phải nhẹ trong khi vẫn có phần hỗ trợ và đệm. Đặc biệt, chúng không được quá cứng. Nếu bạn không thể uốn cong, vặn đế giày chút nào thì chúng có thể quá cứng để dành cho việc đi bộ thể dục.
Ngoài ra, lớp đệm và hỗ trợ giày sẽ xuống cấp theo thời gian. Bạn nên thay giày sau khoảng 800km.
Nếu thấy bàn chân sưng lên sau khi đi bộ thể dục thì có thể cỡ giày của bạn đang quá nhỏ. Cỡ giày đi bộ của bạn phải lớn hơn giày công sở nếu bạn đi bộ trong 30 phút hoặc lâu hơn để tập thể dục.
3. Không sử dụng cánh tay
Việc di chuyển cánh tay của bạn trong khi đi bộ để đối trọng với chuyển động của chân là điều tự nhiên. Nhưng nếu bạn giữ cho cánh tay của mình cứng và thẳng ở hai bên, chúng sẽ hoạt động giống như một con lắc dài, làm bạn chậm lại.
Bạn có thể tăng thêm sức mạnh và tốc độ bằng cách sử dụng cánh tay của mình một cách hiệu quả và tự nhiên hơn, bằng cách gập khủyu tay và để tay đung đưa tự nhiên về phía trước và sau khi bạn đi bộ.
Lưu ý, khi đưa tay về phía trước, tay của bạn không được vượt qua đường trung tâm và không đưa lên quá cao vượt ngực.
4. Đi bộ đầu cúi xuống
Bạn luôn nhìn xuống, cúi đầu và nhìn chằm chằm vào đôi chân của mình. Hoặc bạn có thể đang đi bộ mất tập trung, kiểm tra điện thoại di động thường xuyên.
Tư thế đi bộ tốt cho phép bạn hít thở tốt và tạo ra một đường cong cơ thể dài để ngăn ngừa các vấn đề về lưng, cổ và vai của bạn. Tư thế đi bộ đúng là giữ cho cằm của bạn hướng lên khi đi bộ, nó phải song song với mặt đất.
Mắt của bạn nên tập trung vào đường phố hoặc phía trước. Hãy dùng tai nghe cho phép bạn điều khiển nhạc, nhận hoặc thực hiện cuộc gọi trong khi đi bộ mà không cần thao tác với điện thoại di động.
5. Nghiêng người trong khi đi bộ
Bạn có thể nghiêng về phía trước hơn 5 độ, ngả người ra sau, lắc lư lưng… Các tư thế này có thể dẫn đến đau lưng.
Thay vào đó, bạn hãy đứng thẳng, thả lỏng vai, cằm hướng lên và song song với mặt đất. Lưng của bạn phải có một đường cong tự nhiên, đừng ép nó lắc lư không tự nhiên với lưng ưỡn ra sau và bụng ưỡn về phía trước.
Tăng cường cơ bụng của bạn thông qua các động tác gập bụng, plank và các bài tập khác để bạn có thể giữ thẳng người hơn.
6. Uống không đủ nước
Bạn không uống đủ nước trước, trong và sau khi đi bộ. Điều này không tốt cho cơ thể.
Thay vào đó, bạn hãy uống nước suốt cả ngày để giữ nước. Chuẩn bị cho chuyến đi bộ của bạn bằng cách uống một cốc nước lớn (500 ml) hai giờ trước khi bạn ra ngoài.
Trong khi đi bộ, hãy lắng nghe cơn khát của cơ thể cứ sau 15 phút hoặc lâu hơn. Nếu bạn khát nước, hãy uống đủ nước để bạn cảm thấy dễ chịu. Sau khi bạn hoàn thành, hãy uống một cốc nước.
Bạn hãy tránh đồ uống chứa caffein trước khi đi bộ, chúng khiến bạn mất nước, khát nước hơn và dẫn đến việc dừng lại bất tiện trên đường đi. Khi đi bộ hơn hai giờ, hãy dùng đồ uống thể thao thay thế chất điện giải và uống khi khát.
7. Tập luyện quá sức
Bạn đi bộ và đi bộ và đi bộ. Nhưng bạn đã đánh mất sự nhiệt tình của mình. Bạn cảm thấy mệt mỏi, cáu gắt, luôn bị nhức mỏi. Có thể bạn đang đi bộ quá sức.
Thay vào đó, bạn hãy nghỉ một ngày ít nhất một lần mỗi tuần, cộng với một ngày sau một ngày tập luyện lâu dài. Nó cho phép cơ thể bạn nghỉ ngơi, sửa chữa, xây dựng cơ bắp.
Theo dantri.com.vn