Tuần qua, Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận 800 ca đau mắt đỏ đến khám. Phần lớn các trường hợp đến khám khi đã loay hoay tự chữa cả tuần, mắt sưng húp, thậm chí có giả mạc...
Dịch đau mắt đỏ "tấn công" học sinh
TS.BS Hoàng Cương, Phó trưởng ban Truyền thông, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, mấy tuần qua, số bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tăng lên, trung bình 800 ca/tuần.
TS.BS Hoàng Cương khám mắt cho một bệnh nhân (Ảnh: H.Hải).
"Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là bệnh thường gặp trong giai đoạn chuyển mùa cuối hè sang thu. Tuy nhiên, năm nay có đặc thù, lứa tuổi học sinh bị đau mắt đỏ rất nhiều. Khác với mọi năm, vào năm học, thường không ghi nhận ca bệnh là học sinh đến khám", TS Cương thông tin.
Các cháu đau một bên, rồi hai bên, mắt sưng húp híp, khiến các gia đình rất lo lắng, phàn nàn bị mãi không khỏi, có cháu nghỉ học từ khai giảng đến giờ vẫn chưa thể đến lớp vì đau mắt đỏ.
Vì sao bị mãi không khỏi?
TS Cương cho biết, bệnh nhân nào đến khám cũng phàn nàn, rằng dịch đau mắt đỏ năm nay lâu khỏi, liệu có phải nguyên nhân do chủng virus mới.
Theo TS Cương, mới đây báo chí thông tin, phòng xét nghiệm thuộc Đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi, hợp tác giữa Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU) công bố enterovirus và adenovirus là 2 tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ hiện nay.
"Và về cơ bản, 2 virus tìm thấy này đều là lành tính, chưa có thông tin về biến đổi độc lực. Ngoài ra, đau mắt đỏ còn có thể do các virus khác, không chỉ là 2 virus đã tìm thấy", TS Cương nói.
Theo chuyên gia này, các ca bệnh lâu mới khỏi thường là do bệnh nhân khi mới bị đau mắt đỏ thường không đi khám ngay. Người bệnh loay hoay nhỏ đủ kiểu thuốc không đỡ mới đi khám. Lúc này mắt bội nhiễm, thậm chí có giả mạc, thời gian điều trị kéo dài, nguy cơ biến chứng, ảnh hưởng thị lực là rất lớn.
Còn đa phần bệnh nhân khi bị đau mắt đỏ, đi khám ngay, vệ sinh mắt, nhỏ thuốc theo đúng hướng dẫn, bệnh sẽ khỏi sau 5-7 ngày.
3 sai lầm phổ biến khiến đau mắt đỏ lâu khỏi
- Không rửa mắt bằng nước muối sinh lý, chỉ nhỏ thuốc
Nhiều người dùng nước muối sinh lý nhỏ 1-2 giọt mỗi bên mắt, hoặc không dùng nước muối sinh lý mà chỉ nhỏ thuốc.
Trong khi đó, rửa mắt bằng nước muối sinh lý rửa trôi sẽ đẩy bớt lượng virus ra ngoài, làm sạch gỉ mắt thì nhỏ thuốc sẽ nhanh khỏi hơn.
Hãy nhỏ nước muối sinh lý vào bông gạc tiệt trùng, rồi nhỏ nước muối vào mắt, dùng bông gạc ẩm lấy hết gỉ mắt. Sau đó lại tiếp tục nhỏ nhiều giọt nước muối.
Khi rửa mắt hãy nghiêng đầu qua một bên, dùng nước muối sinh lý 0,9% nhỏ liên tục 10-15 giọt, chớp mắt để nước trôi ra ngoài theo đuôi mắt và làm như thế với bên mắt còn lại.
Chú ý, nguyên tắc là rửa bên mắt bị đau nhẹ trước, mắt nặng sau. Khi rửa, cần dùng gạc (giấy sạch) hứng nước dưới đuôi mắt, không để nước từ mắt chảy ra dính xuống giường, đệm sẽ dễ lây bệnh cho người khác.
Việc rửa mắt sẽ dễ hơn nếu có người hỗ trợ. Đây là bước quan trọng nhất trong chăm sóc mắt đau mắt đỏ, giảm tiết gỉ, dính mắt do gỉ.
Nếu rửa mắt đúng cách, thường sau ngày thứ 3-4 ngày, mắt sẽ không còn tiết gỉ, đỡ chói nhưng vẫn đỏ, chảy nước mắt.
- Chữa bằng "mẹo" dân gian
Người bệnh hãy bỏ qua các "mẹo" dân gian như xông lá trầu, bỏ qua việc điều trị truyền tai tiêm kháng sinh vào mắt; bỏ qua cả việc kết hợp 3 - 4 loại thuốc mỗi ngày… bởi tất cả những cách đó không làm đau mắt đỏ nhanh khỏi.
- Sử dụng kháng sinh, thuốc chống viêm tùy tiện
Thuốc nhỏ mắt theo chỉ định chỉ có tác dụng phòng bội nhiễm, không mang tác dụng chữa bệnh.
BS Cương cho biết, các thuốc chống viêm corticoid, thành phần thường có một kháng sinh là: polymyxin, neomycin hoặc chloramphenicol (có tác dụng chống nhiễm khuẩn), và một thành phần là corticoid như dexamethasone (có tác dụng chống viêm rất tốt).
Khi mắt bị đỏ, sưng, phù nề, nhỏ mắt loại thuốc này sẽ nhanh chóng làm giảm đỏ mắt, người bệnh thấy dễ chịu nên rất thích dùng và còn truyền miệng cho nhau.
Thế nhưng, corticoid là con dao hai lưỡi, vì có tính kháng viêm mạnh nên hiệu quả điều trị nhanh, nhưng nếu người bệnh dùng không đúng, lạm dụng thuốc hoặc dùng thuốc kéo dài sẽ gây ra tai biến do thuốc như dị ứng, làm trầm trọng thêm bệnh.
Ví như người bệnh bị nấm giác mạc, nếu không biết, cứ thấy ngứa, đỏ mắt là mua thuốc corticoid về nhỏ mắt sẽ làm bệnh bùng phát và nặng thêm, gây biến chứng thủng giác mạc hoặc sẽ làm cho vết loét rộng ra, lâu lành sẹo và có thể dẫn đến thủng giác mạc, gây mù.
Vì thế, khi bị đau mắt đỏ, hãy thực hiện việc vệ sinh mắt, cách ly với người nhà, cho học sinh nghỉ học, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bên cạnh đó, nên cho mắt nghỉ ngơi (nhắm mắt, nhìn xa), không xem các phương tiện điện tử.
Theo dantri.com.vn