Biến thể chiếm 86% tổng số mẫu giải trình tự gen ca đau mắt đỏ tại TPHCM vừa được công bố từng gây các vụ dịch viêm kết mạc xuất huyết tại nhiều nơi trên thế giới.
Sở Y tế TPHCM vừa công bố kết quả trình tự gen chi tiết của các tác nhân chính gây bùng phát bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn trong thời gian qua.
Theo đó, các mẫu bệnh phẩm có tải lượng virus phù hợp, dương tính với enterovirus (86% tổng số mẫu) đều cho kết quả là biến thể Coxsackievirus A24. Trong 14% mẫu dương tính với adenovirus, cơ quan chức năng phát hiện 11% là human Adenovirus 54 (hAdV-54) và 3% là human Adenovirus 37 (hAdV-37).
Như vậy, tác nhân chính gây ra viêm kết mạc mắt trong đợt bùng phát đau mắt đỏ hiện nay tại TPHCM chủ yếu do Coxsackievirus A24 gây ra. Ngoài ra, còn do human Adenovirus 54 và Adenovirus 37 gây ra.
Coxsackievirus A24 là tác nhân chính trong đợt bùng phát đau mắt đỏ hiện nay tại TPHCM (Ảnh: Sở Y tế).
Theo số liệu từ các nghiên cứu trước đây, các adenovirus cũng như Coxsackie A24 và Entero 70 (thuộc nhóm enterovirus) là các biến thể được phát hiện từng gây bùng phát bệnh đau mắt đỏ, với các trận dịch viêm kết mạc xuất huyết tại nhiều nơi trên thế giới.
Trận dịch đầu tiên được báo cáo vào năm 1969 tại Ghana. Tại châu Á, Coxsackie A24 ghi nhận lần đầu tại Singapore vào năm 1970, sau đó xuất hiện ở các nước khác.
Trong trận dịch viêm kết mạc xuất huyết năm 2011 ở Nhật Bản, biến thể Coxsackievirus A24 là tác nhân chính, khiến nhiều người bị biến chứng xuất huyết dưới kết mạc, viêm giác mạc chấm nông và nổi hạch sau tai.
Còn tại Việt Nam, năm 2020, Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với Đại Học Quốc Gia Hà Nội đã báo cáo tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ tại Hà Nội trong giai đoạn 2017-2019 thuộc nhóm adenovirus.
Người dân đến khám mắt tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức (Ảnh: HL).
Trước đó, khi số trường hợp đau mắt đỏ ghi nhận trên địa bàn tăng cao (hơn 71.000 ca/8 tháng), theo yêu cầu của Sở Y tế TPHCM, Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU) đã phối hợp với Bệnh viện Mắt TPHCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) tìm tác nhân gây bệnh.
Có 39 bệnh nhân đau mắt đỏ đến từ 13 quận huyện, TP Thủ Đức thuộc TPHCM và một số ca từ tỉnh Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang được lấy mẫu bệnh phẩm.
Ngày 8/9, sau khi phân tích, nhóm nghiên cứu phát hiện enterovirus và adenovirus là hai tác nhân được tìm thấy trong 37/39 bệnh nhân (95%) được xét nghiệm. Trong đó, enterovirus chiếm ưu thế (86%), còn tác nhân hay gặp trước đó là adenovirus chỉ chiếm số ít (14%).
Theo khuyến cáo của các chuyên gia mắt và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), có nhiều biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do virus.
Cụ thể là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường;
Người dân cũng cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ; người bệnh, người nghi bị bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người khác.
Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid, vì sẽ làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Theo dantri.com.vn