Theo thống kê của Sở Y tế Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.200 bệnh nhân khám các bệnh về gan tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, trong đó khám, xét nghiệm viêm gan khoảng 900 trường hợp (xét nghiệm virus viêm gan B chiếm khoảng 70%, virus viêm gan C chiếm khoảng 14%).
Người dân đưa trẻ đến tiêm vaccine tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng. (Ảnh HUỲNH LÊ)
Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch Phòng, chống bệnh viêm gan virus trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2023-2025.
Theo kết quả giám sát dịch tễ học huyết thanh virus viêm gan B và virus viêm gan C trong nhóm người trưởng thành tại thành phố Đà Nẵng năm 2018-2019 cho thấy, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B mạn tính (anti-HBc total dương tính và HBsAg dương tính) trên địa bàn thành phố là 12,8% (cao hơn so với tỷ lệ trung bình của cả nước: 9,2%), tỷ lệ nhiễm virus viêm gan C mạn tính (anti-HCV dương tính và HCV core Antigen dương tính) là 0,7% (thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của cả nước: 1,0%).
Hiện, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.200 bệnh nhân khám các bệnh về gan tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trong đó khám, xét nghiệm viêm gan khoảng 900 trường hợp (xét nghiệm virus viêm gan B chiếm khoảng 70%, vi rút viêm gan C chiếm khoảng 14%).
Năm 2022, tỷ lệ tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ em sơ sinh trong 24 giờ đầu đạt 90,12%, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm vaccine viêm gan B ba liều cơ bản (VGB3) đạt 99%.
Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng yêu cầu Sở Y tế Đà Nẵng phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội liên quan trên địa bàn triển khai các hoạt động phòng chống viêm gan virus đến các đơn vị thành viên và vận động người dân tham gia.
Hướng dẫn ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức triển khai kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong việc tổ chức triển khai các hoạt động phòng chống viêm gan virus tại địa phương, có thể lồng ghép trong kế hoạch phòng, chống dịch bệnh hằng năm.
Tăng cường công tác phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo thực hiện truyền thông phòng, chống bệnh viêm gan virus tại các điểm trường học. Tăng cường triển khai tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ em tại các điểm tiêm chủng và trẻ sơ sinh tại các cơ sở y tế có phòng sinh đạt tỷ lệ tiêm chủng vaccine viêm gan B đạt thấp.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc các quy trình chuẩn về phòng nhiễm khuẩn trong cơ sở y tế; thực hiện tốt việc khám sàng lọc để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm viêm gan virus và điều trị, quản lý kịp thời hạn chế biến chứng.
Nâng cấp và chuẩn hóa các quy trình, trang thiết bị xét nghiệm virus viêm gan để áp dụng các kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán virus học đặc biệt đối với virus viêm gan B, virus viêm gan C phục vụ việc chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan virus và các bệnh truyền nhiễm khác một cách hiệu quả tại bệnh viện và hỗ trợ các địa phương…
Theo báo cáo của WHO năm 2021, có khoảng 296 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính và 58 triệu người nhiễm virus viêm gan C mạn tính trên toàn cầu. Ước tính mỗi năm có 3 triệu ca nhiễm mới viêm gan B và viêm gan C. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,1 triệu trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh viêm gan vi rút trong đó có 96% là do viêm gan B và viêm gan C.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và virus viêm gan C cao trong quần thể dân cư nói chung và có gánh nặng bệnh tật cao liên quan đến viêm gan B và C.
Theo kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do virus viêm gan B và C được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện năm 2017, ước tính có khoảng 7,8 triệu người nhiễm virus viêm gan B mãn tính và khoảng gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C mãn tính. Đây là nguyên nhân dẫn đến khoảng 80.000 trường hợp xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan và khoảng 40.000 trường hợp tử vong hàng năm và có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tang-cuong-phong-chong-benh-viem-gan-virus-tren-dia-ban-da-nang-post774307.html