Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, đào tạo bậc sau đại học chưa theo hướng đa ngành trong y học cổ truyền. Vì thế, nước ta còn khoảng cách giữa nhu cầu thực tiễn và chương trình đào tạo.
Chia sẻ tại hội thảo khoa học về đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu y dược cổ truyền kết hợp y dược hiện đại diễn ra ngày 6/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, y dược cổ truyền tồn tại và phát triển cùng với lịch sử loài người và ngày càng được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới.
Nó được ứng dụng trong điều trị, dự phòng bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ. Tại Việt Nam, y dược cổ truyền là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống y tế.
Hiện nay, toàn quốc có 66 bệnh viện y dược cổ truyền và các khoa y học cổ truyền, hơn 5.000 phòng chẩn trị/phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương (Ảnh: H.V).
Theo Thứ trưởng, để làm tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, một trong những giải pháp quan trọng là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học công nghệ.
Trên thế giới, một số nước có nền y dược cổ truyền phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
"Tại Việt Nam, đào tạo bậc sau đại học chưa theo hướng đa ngành trong y học cổ truyền do đó chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Vì thế, còn một khoảng cách giữa nhu cầu thực tiễn tại các cơ sở khám chữa bệnh và chương trình đào tạo lĩnh vực y dược cổ truyền", Thứ trưởng Hương nói.
PGS.TS Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết, hiện nay các bệnh viện y học cổ truyền đều phân khoa phát triển theo định hướng bệnh viện đa khoa y học cổ truyền. Điều này đòi hỏi nguồn nhân lực y học cổ truyền phải chuyên sâu theo từng nhóm bệnh.
PGS.TS Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam (Ảnh: H.V).
"Qua nghiên cứu, ở Trung Quốc việc kết hợp trung y và tây y trong công tác khám chữa bệnh rất hài hòa và sâu sắc. Đồng thời, công tác đào tạo nhân lực trung y theo hướng đa khoa, đã cấp nhiều văn bằng sau đại học như ngoại khoa, phụ khoa, nhi khoa…", PGS Huy nói.
Các chương trình đào tạo là căn cứ để cấp chứng chỉ hành nghề theo từng chuyên ngành chuyên sâu. Vì thế, lĩnh vực y học cổ truyền tại nước ta cũng cần phát triển đào tạo sau đại học theo các ngành chuyên sâu.
Theo các chuyên gia sự phát triển của nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, chưa ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhiều nghiên cứu khoa học chưa đạt được mong muốn nhất là công bố quốc tế do chưa đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở nghiên cứu lâm sàng, chưa có Hội đồng y đức (trên người và trên động vật)…
Bên cạnh đó, còn ít cơ sở thực hành lâm sàng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học cho đời sống.
Theo dantri.com.vn