Một thử nghiệm lâm sàng so sánh tác dụng của thuốc với lợi ích từ hoạt động chạy bộ đối với những bệnh nhân trầm cảm. Kết quả đã gây ngạc nhiên.
Chạy bộ có hiệu quả tương đương việc dùng thuốc chống trầm cảm đối với những bệnh nhân mắc căn bệnh này (Ảnh minh họa: Science et vie).
Chạy bộ có nhiều lợi ích cả về vật chất và tinh thần, nhưng liệu nó có đủ để điều trị trầm cảm? Câu trả lời này đã được giáo sư Brenda Penninx, Đại học Vrije (Hà Lan) giải đáp.
Nhà khoa học cùng đồng nghiệp so sánh tác dụng của thuốc chống trầm cảm với lợi ích từ việc chạy bộ đối với một nhóm bệnh nhân mắc căn bệnh này.
Kết quả bất ngờ
Sau bốn tháng điều trị, cả hai phương pháp đều cho thấy tỷ lệ thành công như nhau đối với sức khỏe tâm thần của bệnh nhân.
Khoảng 44% trong số các bệnh nhân ở mỗi nhóm đã vượt qua được chẩn đoán trầm cảm hoặc sự lo lắng. Sức khỏe thể chất được cải thiện ở nhóm người chạy bộ và xấu đi đôi chút ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm.
Ngoài những đau khổ về tâm lý, trầm cảm còn để lại những hậu quả tiêu cực đến sức khỏe thể chất của người bệnh.
Mặc dù thuốc chống trầm cảm có hiệu quả nhưng chúng có những tác dụng phụ không mong muốn, góp phần làm suy giảm sức khỏe, chẳng hạn như tăng cân, tăng huyết áp và suy giảm ham muốn tình dục.
Giáo sư Brenda Penninx, Đại học Vrije ở Amsterdam (Hà Lan) giải thích: "Hậu quả của các phương pháp điều trị tâm thần vẫn còn ít được nghiên cứu. Đây là lý do tại sao chúng tôi muốn so sánh tác động của hoạt động sức khỏe thể chất và thuốc chống trầm cảm đối với sức khỏe chung của các cá nhân, không chỉ sức khỏe tâm thần".
Vượt qua chính mình, thoát khỏi sự cô lập
Nhóm nhà khoa học đã nghiên cứu 141 bệnh nhân bị trầm cảm hoặc lo lắng trong 16 tuần. Họ được lựa chọn giữa tập thể dục và sử dụng thuốc chống trầm cảm.
Đáng ngạc nhiên, có nhiều người trong số họ chọn thể thao hơn, chỉ 45 người trong số họ chọn thuốc chống trầm cảm.
Bệnh nhân được yêu cầu tham gia chạy bộ có sự giám sát của các chuyên gia từ hai đến ba lần mỗi tuần. Phương pháp luyện tập diễn ra theo nhóm, ngoài trời và có mục tiêu cá nhân hóa cho từng người.
Nghiên cứu một lần nữa nhấn mạnh, sức khỏe thể chất ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
"Phương pháp này trực tiếp giải quyết lối sống ít vận động thường liên quan đến trầm cảm và lo lắng, bằng cách khuyến khích bệnh nhân ra ngoài trời, đặt mục tiêu cá nhân, tham gia các hoạt động nhóm và cải thiện thể lực của họ".
Tuy nhiên, tập thể dục hai hoặc ba lần một tuần vẫn là một thói quen khó duy trì hơn nhiều so với việc chỉ dùng thuốc, đặc biệt là đối với người bị trầm cảm.
Bất chấp sự hỗ trợ của nhóm và sự giám sát các buổi chạy bộ, chỉ có 52% bệnh nhân chọn môn thể thao này duy trì toàn bộ chương trình, gần một nửa trong số họ đã bỏ cuộc và ngay từ đầu, 15% số người trong nhóm không tham gia bất kỳ buổi luyện tập nào.
Những kết quả này cho thấy việc duy trì việc điều trị bằng phương pháp này không phải là dễ dàng đối với người mắc bệnh trầm cảm.
Xem xét liệu pháp điều trị chạy bộ một cách nghiêm túc hơn
Các tác giả của nghiên cứu xác định rằng, kết quả của họ không hề làm mất hiệu lực sự liên quan của thuốc chống trầm cảm.
Nhóm nhà khoa học giải thích: "Những loại thuốc này có tác dụng với hầu hết mọi người và chúng tôi biết rằng chứng trầm cảm không được điều trị có thể trở nên tồi tệ hơn và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng".
Không nên xem nhẹ chứng rối loạn sức khỏe tâm thần này, nó là nguyên nhân chính dẫn đến tự tử. Nghiên cứu này giúp mở rộng phương pháp điều trị mà bệnh nhân và bác sĩ lâm sàng có thể lựa chọn để vượt qua trầm cảm.
Một tài sản rất hữu ích cho những người không thể hoặc không muốn dùng thuốc chống trầm cảm vì tác dụng phụ. Liệu pháp điều trị này là một lựa chọn hiệu quả hoặc thậm chí tốt hơn đối với một số bệnh nhân.
"Đây không phải là một phương pháp điều trị kỳ diệu luôn có hiệu quả, nó chắc chắn mang lại lợi ích cho các nhóm bệnh nhân trầm cảm", nghiên cứu kết luận.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/chay-bo-dieu-tri-benh-tram-cam-tot-nhu-the-nao-20231011070124101.htm