Đang chạy trong công viên, người đàn ông khoảng 30 tuổi (Hà Nội) bất ngờ ngã gục, sau đó tử vong. Theo bác sĩ, nguyên nhân khiến một người trẻ tử vong trên đường chạy thường do đột quỵ tim hoặc não.
Tối 15/10, một người đàn ông đang chạy bộ tại Công viên Thanh Xuân (Hà Nội) bất ngờ ngã gục, ngay sau đó được người nhà và người có mặt tại công viên gọi cấp cứu.
Nạn nhân sau đó được xe cấp cứu 115 chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhưng đã không qua khỏi.
PGS.TS.BS Võ Tường Kha, Bệnh viện Thể thao Việt Nam, Trưởng Bộ môn Y học thể thao, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, trên thế giới cũng như tại nước ta cũng ghi nhận không hiếm các trường hợp tử vong trên đường chạy. Các trường hợp đột tử ở những người trẻ sau khi gắng sức thường do 2 lý do chính là đột quỵ tim và đột quỵ não.
Theo ông, những trường hợp này nhìn bề ngoài trông khỏe mạnh nhưng bản chất có thể có bệnh lý tiềm ẩn. Họ có thể mắc các bệnh tim bẩm sinh về cơ tim, van tim, mạch vành, mạch não… mà không hề biết (không đi khám hoặc đi khám không đúng chuyên khoa nên không được phát hiện).
PGS.TS Võ Tường Kha, Bệnh viện Thể thao Việt Nam, Trưởng Bộ môn Y học thể thao, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: N.P).
Những tình trạng này không gây ra các triệu chứng khi một người hoạt động bình thường nên chúng thường không được phát hiện.
Tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, không biểu hiện ra bệnh lý, là do họ thích nghi với lượng vận động (công suất, thời gian, tần suất vận động) mức độ bình thường. Nhưng khi họ hoạt động với lượng vận động quá lớn, vượt ngưỡng "chịu tải" của tim, mạch, hô hấp… thì dẫn đến "phát nổ" như một chiếc nồi áp suất đang đun vượt quá áp suất cho phép.
Hậu quả là gây vỡ mạch, thiếu máu (dinh dưỡng, oxy) cho cơ tim, cho não để duy trì hoạt động, ngừng tim đột ngột và tử vong.
"Có những trường hợp hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng trên điện tâm đồ có thể có dấu hiệu gợi ý về các bệnh lý dễ gây ngừng tim như hội chứng Brugada, hội chứng QT dài, hội chứng WPW... Những trường hợp này nếu chủ quan, cố tập luyện với lượng vận động lớn, trong điều kiện vệ sinh an toàn tập luyện kém có thể dẫn đến các tai nạn, cấp cứu, đột tử", PGS Kha nhấn mạnh.
Một số người cũng có thể có dị dạng ở mạch máu não hoặc có bệnh mãn tính chưa điều trị khỏi. Khi tập luyện cường độ cao, kéo dài gây cường giao cảm, dẫn tới co mạch, tăng huyết áp, gây co thắt mạch não, vỡ điểm yếu (phình) mạch não hoặc làm cơ thể bị quá sức, quá tải dẫn đến những biến cố, đột tử không mong muốn.
Theo PGS Kha, có một thực tế là rất nhiều người khi chơi thể thao đã không kiểm tra, sàng lọc, điều trị triệt để những chấn thương, bệnh lý tiềm ẩn trước đó. Điều này có thể gây chấn thương, gây ra các bệnh lý cấp tính về tim mạch, hô hấp, thậm chí gây nhồi máu cơ tim, ngừng tim, tăng huyết áp, xuất huyết não, nhồi máu não...
Làm gì để tránh các biến cố đáng tiếc trong quá trình tập luyện?
Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, PGS Kha khuyên, trước khi tập chạy hay chơi bất kỳ môn thể thao nào, đặc biệt đòi hỏi sức bền người dân đều cần phải kiểm tra thể lực.
Chúng ta có thể đến gặp bác sĩ chuyên sâu thể thao để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp…
Bạn hãy lắng nghe cơ thể trong khi chạy và dừng lại khi có dấu hiệu bất thường (Ảnh minh họa: Greatist).
Tiếp theo bác sĩ chuyên sâu thể thao cùng huấn luyện viên sẽ kiểm tra "trình độ" thể lực có thể "chịu tải" với lượng vận động của cuộc thi, tập luyện sắp tới. Từ đó có lời khuyên chính xác nên hay không nên tham gia cuộc thi hoặc tham gia ở mức lượng vận động (cường độ, thời gian, tần suất) như thế nào cho phù hợp, an toàn sức khỏe.
Như vậy, kiểm tra sức khỏe sẽ bao gồm kiểm tra tổng quát và kiểm tra thể lực, kiểm tra chuyên sâu tim mạch, hô hấp, hệ vận động.
Theo PGS Kha, các kỹ thuật kiểm tra chuyên sâu bao gồm các xét nghiệm sinh hóa, huyết học, các test thể lực, đặc biệt là các test gắng sức tim - phổi để đánh giá sự chịu đựng của hệ thống tim mạch, huyết áp, hô hấp, kiểm tra sinh cơ để đánh giá năng lực của hệ thống vận động.
Nếu các test đánh giá tiệm cận ngưỡng tối đa của cơ thể mà vận động viên qua được thì thi đấu mới an toàn.
Trong quá trình tập, bạn cũng cần lưu ý thông số nhịp tim bình thường và mạch đập (nhịp tim) tối đa.
Cụ thể, một người trưởng thành khi mới ngủ dậy ở trạng thái yên tĩnh nhịp tim sẽ là khoảng 60-80 lần/phút. Để tính nhịp tim tối đa, cách đơn giản nhất là lấy 220 trừ số tuổi với nam và 226 trừ số tuổi với nữ.
"Ví dụ một người đàn ông 40 tuổi, nhịp tim tối đa trung bình sẽ là 220-40=180 (lần/phút). Người này khi tập chỉ được phép đạt 70-80% nhịp tim tối đa thì mới có hiệu quả, nghĩa là nhịp tim tối đa của người này chỉ trong khoảng 126-144 lần/phút mới đảm bảo an toàn", PGS Kha nhấn mạnh.
Nếu nhịp tim tăng quá có thể gây tai biến, kiệt sức, tức ngực, khó thở, choáng, ngất, thiếu máu cơ tim… Trong quá trình tập, bạn có thể đo, đếm mạch, nếu thấy cao hơn 70-80% nhịp tim tối đa, nên điều chỉnh lượng vận động, thậm chí dừng lại.
Trước mỗi buổi tập cũng cần đánh giá tình trạng thể lực có đảm bảo để tập, thời gian bao nhiêu, lượng vận động bao nhiêu, điều kiện thời tiết có cho phép, trang phục có đảm bảo...
Đồng thời, chuẩn bị nước uống, dinh dưỡng bổ sung trong quá trình luyện tập nếu không sẽ bị kiệt sức, thiếu năng lượng. Bạn cũng cần lưu ý khởi động trước tập, tập xong phải thả lỏng, hồi phục.
Tập thể dục thường xuyên rất tốt cho sức khỏe, ngay cả người có bệnh tim vẫn được khuyên nên vận động nhưng phải lưu ý đúng cách, an toàn và có sự hướng dẫn của bác sĩ. Điều quan trọng nữa là bạn phải tập thể dục trong giới hạn của mình.
Trong khi tập luyện, hãy lắng nghe cơ thể bạn, nếu thấy các dấu hiệu như đau tức ngực, khó thở, nhanh mệt, hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, huyết áp tăng, huyết áp tụt… phải đi khám và điều trị kịp thời.
Mọi người nên bắt đầu tập thể dục từ từ và không tham gia vào các hoạt động cường độ cao, đặc biệt nếu họ chưa từng tập luyện trước đây.
Nếu bạn có tiền sử bệnh tim mạch thì cũng có thể tập thể dục để tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên bạn phải thực hiện đúng cách và an toàn theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên sâu thể thao, phải duy trì thường xuyên, lượng vận động phù hợp với tình trạng bệnh lý và thể lực của mình.
Vì hoạt động thể chất cũng giúp lấy lại sức mạnh cơ tim, cải thiện tuần hoàn và oxy khắp cơ thể, cũng như giảm huyết áp và cholesterol.
Theo PGS Kha, với các giải thể thao phong trào, đặc biệt là các giải đòi hỏi sức bền, lượng vận động lớn kéo dài, cũng nên cần được kiểm soát chặt.
Trong đó điều kiện cấp phép gồm đơn vị tổ chức, quy mô, đối tượng tham gia, địa điểm tổ chức, trang thiết bị, thuốc, nhân lực cấp cứu, vận chuyển cấp cứu, địa chỉ đơn vị y tế tiếp nhận cấp cứu chuyển đến…
Người tham gia hoạt động thể thao cũng phải có giấy chứng nhận sức khỏe của đơn vị y tế chuyên sâu chức năng có đủ trình độ, năng lực để kiểm tra tình trạng bệnh lý, tình trạng thể lực đủ để vượt qua lượng vận động sắp tham gia.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/chay-bo-tai-sao-co-the-bi-dot-tu-20231016121133966.htm