Gần 30% trẻ em miền núi phía Bắc, Tây Nguyên suy dinh dưỡng thấp còi

Thứ 3, 17.10.2023 | 14:08:02
812 lượt xem

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao và có sự chênh lệch giữa các vùng nhất là vùng núi, vùng khó khăn so với thành phố, đồng bằng.

PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân.

Theo đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm nhanh và bền vững (tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 14,1% năm 2015 xuống 11,5% năm 2020).

Mặc dù tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao (19,6% năm 2020) và có sự chênh lệch giữa các vùng nhất là vùng núi, vùng khó khăn so với thành phố, đồng bằng.

Gần 30% trẻ em miền núi phía Bắc, Tây Nguyên suy dinh dưỡng thấp còi - 1

Trẻ em được khám bệnh miễn phí trong chương trình thiện nguyện do báo Dân trí tổ chức tại Hà Giang (Ảnh: Minh Nhật).

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở miền núi phía Bắc là 27,1% và Tây nguyên là 29,8%.

Theo các chuyên gia, nghèo đói, thiếu kiến thức là một trong những nguyên nhân của tình trạng suy dinh dưỡng.

Để cải thiện sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em ở những vùng khó khăn, miền núi, dân tộc thiểu số, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1 - 1,5%/năm.

Hiện nay, trên cả nước có 1089 xã nghèo, đặc biệt các xã nghèo thuộc huyện nghèo vùng dân tộc thiểu số.

Người nghèo, ở vùng dân tộc thiểu số còn bị thiếu ăn, thiếu lương thực thực phẩm, thiếu thông tin…là những nguyên nhân của suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân và thấp còi còn cao, cũng như thiếu vi chất dinh dưỡng, thiếu các dịch vụ y tế chăm sóc bà mẹ và trẻ em.

PGS Dương thông tin thêm, trong 10 năm qua (từ năm 2010 đến năm 2020) cơ cấu bữa ăn của người Việt có sự thay đổi rõ rệt.

"Khẩu phần ăn cân đối hơn, gần tiếp cận với nhu cầu khuyến nghị về các chất sinh năng lượng từ glucid, protein, lipid... Tuy nhiên, tính cân đối của khẩu phần ăn vẫn chưa đảm bảo", PGS Dương thông tin.

Theo đó, người Việt còn ăn quá nhiều thịt. Mức tiêu thụ thịt bình quân 134 gam/người/ngày. Đặc biệt ở khu vực thành thị mức tiêu thụ thịt cao hơn, khoảng 154 gam/người/ngày. Trong khi đó ở những vùng nông thôn, mức tiêu thụ thịt là 126,2gam/người/ngày.

"Thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, mất cân đối về các chất dinh dưỡng (nhiều thịt, mỡ động vật, ít rau xanh và hoa quả) của người Việt đã làm gia tăng các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như: thừa cân béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, gút, rối loạn mỡ máu… ", PGS Dương khuyến cáo.

Hiện tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em tuổi học đường tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020, trong đó khu vực thành thị 26,8%, khu vực nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Hưởng ứng Ngày Lương thực Thế giới (16/10), Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông Tuần lễ "Dinh dưỡng và Phát triển" từ ngày 16-23/10 với chủ đề là "Sử dụng và bảo vệ nước sạch đúng cách để cải thiện dinh dưỡng, sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống".

Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo: Phát triển VAC để tạo nguồn thực phẩm sẵn có, an toàn; tổ chức tốt bữa ăn gia đình, bữa ăn học đường đảm bảo đa dạng, cân đối, đủ dinh dưỡng; thực hiện chăm sóc dinh dưỡng hợp lý 1000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển toàn diện về tầm vóc và trí tuệ.

Đồng thời cũng khuyến cáo người dân lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, bảo đảm an toàn trong chế biến và bảo quản; sử dụng nước sạch an toàn trong ăn uống, sinh hoạt; uống đủ nước theo nhu cầu cơ thể...


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/gan-30-tre-em-mien-nui-phia-bac-tay-nguyen-suy-dinh-duong-thap-coi-20231017085617099.htm

  • Từ khóa