Sau 10 năm được thay van tim, bệnh nhân nhập viện trong tình van thoái hóa, hết "tuổi thọ". Các bác sĩ quyết định can thiệp thay van trong van, bệnh nhân chỉ cần gây ngủ và tỉnh ngay sau thủ thuật.
Bệnh nhân là nam giới 82 tuổi, là bệnh nhân đầu tiên được thay van động mạch chủ qua đường ống thông tại Viện Tim mạch Việt Nam vào tháng 3/2014.
Trong nhiều năm, người bệnh tái khám khá đều, mỗi lần tái khám sức khỏe ổn định, chất lượng cuộc sống tốt.
Thời điểm đó bệnh nhân 73 tuổi và nhập viện trong tình trạng rất nặng nề với biểu hiện suy tim nặng, viêm phổi nặng, phải đặt nội khí quản.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh hẹp van động mạch chủ nặng trên nền bệnh lý van động mạch chủ có hai lá van bị thoái hóa.
Đây là bệnh lý ngày càng gặp nhiều khi tuổi thọ và các yếu tố nguy cơ tim mạch tích lũy tăng lên.
Hình ảnh thay van trong van (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Quảng cáo của DTads
Trước đây, để điều trị các bệnh lý van tim nặng, bệnh nhân cần phẫu thuật tim mở để thay và sửa van. Nhưng với ca bệnh nặng và tuổi cao, nguy cơ của cuộc mổ rất lớn, nhiều trường hợp là không thể phẫu thuật được.
"Thay van động mạch chủ qua đường ống thông đã trở thành biện pháp ưu việt được lựa chọn cho người bệnh bị hẹp van động mạch chủ cao tuổi với nhiều ưu điểm vượt trội, không phải phẫu thuật tim mở, không phải gây mê, phục hồi nhanh…. ", đại diện Viện Tim mạch Việt Nam thông tin.
Với bệnh nhân này, ở thời điểm nhập viện năm 2014 bác sĩ cũng không thể thực hiện phẫu thuật vì hẹp van động mạch chủ rất nặng, nhiều nguy cơ.
Bệnh nhân được nong van cấp cứu bằng bóng nới rộng lỗ van để tiếp tục hồi sức cấp cứu, sau đó bệnh nhân được thay van động mạch chủ qua đường ống thông vài ngày sau đó.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam đánh giá tình hình bệnh nhân trước can thiệp (Ảnh: Minh Minh).
"Từ một bệnh nhân nặng, trải qua cả tháng điều trị ở đơn vị hồi sức, thậm chí phải chuyển qua Viện Bỏng quốc gia ghép da do loét tì đè, ngay sau khi can thiệp được tình trạng hẹp nặng van động mạch chủ, bệnh nhân phục hồi tốt", bác sĩ thông tin.
Gần một năm trở lại đây, bệnh nhân phải tái nhập viện liên tục vì suy tim nặng, siêu âm cho thấy van sinh học đã thoái hóa nặng, hở van nhiều, buồng tim giãn.
Tuổi thọ của những van nhân tạo có lá van sinh học có tuổi thọ trung bình khoảng 10 năm, các bác sĩ quyết định thay van cho bệnh nhân qua đường ống thông van - trong - van (TAVI-in-TAVI). Đây là chỉ định tối ưu nhất cho người bệnh vì không thể phẫu thuật.
Sáng 18/10, bệnh nhân được can thiệp thay van trong van qua đường ống thông, sử dụng loại van nở trên bóng đặt trong van tự nở lần trước.
Chỉ trong khoảng 30 phút tính từ lúc chọc mạch đùi, bệnh nhân chỉ cần gây ngủ và tỉnh ngay sau thủ thuật, các bác sĩ can thiệp thành công, các thông số về huyết động được cải thiện rõ rệt.
Viện Tim Mạch Việt Nam cho biết, đây là ca TAVI-in-TAVI lần đầu tiên ở Việt Nam.
Các nghiên cứu cho thấy tuổi thọ của van sinh học dùng trong TAVI không kém van phẫu thuật, nhưng cùng với thời gian, những bệnh nhân TAVI ngày nào sẽ đến lúc quay trở lại - nhất là khi chỉ định TAVI được đặt ra sớm hơn, ở các bệnh nhân trẻ hơn.
Việc thành công với ca TAVI-in-TAVI đầu tiên sẽ tạo cơ hội cho nhiều bệnh nhân trẻ trong tương lai.
Theo dantri.com.vn