Nhiều hoạt chất sinh học được tìm thấy trong cà phê có thể ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của cơ thể.
Cà phê có chứa caffeine là chất kích thích thần kinh được tiêu thụ phổ biến nhất trên thế giới. Caffeine cũng được sử dụng trong hầu hết các thực phẩm bổ sung đốt cháy chất béo thương mại ngày nay do tác dụng huy động chất béo từ các mô mỡ và tăng cường trao đổi chất.
Cà phê có 2 công dụng đặc biệt tốt cho người béo (Ảnh: Getty).
Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, nhiều hoạt chất sinh học được tìm thấy trong cà phê có thể ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của cơ thể:
- Caffeine: Chất kích thích chính.
- Theobromine: Chất kích thích chính trong ca cao, cũng được tìm thấy với một lượng nhỏ trong cà phê.
- Theophylline: Một chất kích thích khác được tìm thấy trong cả ca cao và cà phê; đã được sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn.
- Axit chlorogenic: Một trong những hợp chất hoạt động sinh học chính trong cà phê; có thể giúp làm chậm quá trình hấp thụ carbs.
Caffeine hoạt động bằng cách ngăn chặn chất adenosine. Đây là một chất ức chế dẫn truyền thần kinh. Bằng cách ngăn chặn adenosine, caffeine làm tăng kích thích các tế bào thần kinh và giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và norepinephrine.
Điều này làm cho bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và tỉnh táo hơn. Đồng thời cà phê hay các đồ uống có caffeine có thể cải thiện 11-12% hiệu suất tập thể dục.
Cà phê giúp tăng tỷ lệ trao đổi chất
Các nghiên cứu cho thấy caffeine có thể làm tăng tỷ lệ trao đổi chất khi nghỉ ngơi từ 3-11%, với liều lượng lớn hơn sẽ có tác dụng lớn hơn. Hầu hết sự gia tăng trao đổi chất là do sự gia tăng đốt cháy chất béo.
Cà phê giúp tăng cường trao đổi chất (Ảnh: Getty).
Một nghiên cứu cho thấy caffeine làm tăng quá trình đốt cháy chất béo lên tới 29% ở những người gầy, trong khi mức tăng chỉ khoảng 10% ở những người béo phì. Hiệu ứng này cũng giảm dần theo độ tuổi.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Tây Ban Nha mới đây được công bố trên Tạp chí Hiệp hội dinh dưỡng thể thao quốc tế đã chỉ ra rằng, những người duy trì thói quen uống cà phê mỗi sáng trước khi tập thể dục có thể đốt cháy 11-13% chất béo trong cơ thể, nhờ khả năng thúc đẩy quá trình trao đổi chất.
Theo nhiều kết quả khảo sát, caffeine đã được chứng minh có khả năng tăng cường đốt cháy chất béo trong quá trình tập luyện.
Cà phê giúp đốt cháy chất béo, giảm cảm giác thèm ăn
Caffeine làm tăng nồng độ hormone epinephrine trong máu. Epinephrine, còn được gọi là adrenaline, đi qua máu đến các mô mỡ, báo hiệu chúng phân hủy chất béo và giải phóng vào máu.
Tất nhiên, việc giải phóng axit béo vào máu không giúp bạn giảm cân trừ khi bạn đốt cháy nhiều calo hơn. Tình trạng này được gọi là sự cân bằng năng lượng âm.
Trong thời gian ngắn hạn, caffeine có thể thúc đẩy tỷ lệ trao đổi chất và tăng đốt cháy chất béo, nhưng sau một thời gian, cơ thể đã quen và tác dụng này kém dần.
Tuy nhiên, tác dụng khác của cà phê là giảm cảm giác thèm ăn và giúp bạn ăn ít hơn. Trong một nghiên cứu, caffeine có tác dụng làm giảm sự thèm ăn ở nam giới, khiến họ ăn ít hơn trong bữa ăn sau khi tiêu thụ caffeine.
Thời điểm uống cà phê giúp đốt mỡ hiệu quả nhất
Các nhà khoa học Tây Ban Nha cho rằng, uống cà phê buổi chiều trước khi tập thể thao cũng có tác dụng đốt mỡ nhưng không đạt hiệu quả cao bằng buổi sáng, do quá trình trao đổi chất buổi chiều diễn ra chậm hơn.
Ngoài ra, chất caffeine còn có tác dụng giải phóng một lượng lớn polyphenol, các hợp chất có nguồn gốc thực vật có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Để thu được nhiều lợi ích dinh dưỡng nhất, bạn nên uống cà phê càng ít thêm đường sữa càng tốt. Một ly cà phê không đường, rang xay ở mức độ trung bình sẽ là ly cà phê tốt nhất.
Cần lưu ý, không nên uống quá 50-100mg caffeine (2-3 ly cà phê/ngày).
Theo dantri.com.vn