Cán bộ y tế Phòng khám Đa khoa khu vực Mường Hum đã tiếp nhận và cấp cứu bệnh nhân, đồng thời gọi điện thoại xin ý kiến hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát.
Ngày 28/10, Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thông huyện Bát Xát ( tỉnh Lào Cai) cho biết, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa huyện Bát Xát đã tiếp nhận và cấp cứu kịp thời 2 bệnh nhân người dân tộc thiểu số bị ngộ độc lá ngón.
Hình ảnh cây lá ngón và hoa lá ngón có độc tố mạnh gây ngộ độc chết người (Ảnh: Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thông Bát Xát).
Trước đó, ngày 24/10, Phòng khám Đa khoa khu vực Mường Hum, huyện Bát Xát tiếp nhận 2 bệnh nhân là G.A.B. ( 21 tuổi) và V.T.S. (15 tuổi) cùng trú tại xã Dền Thàng (huyện Bát Xát) nhập viện trong tình trạng ý thức lơ mơ, sùi bọt mép, thở yếu, suy hô hấp.
Cán bộ y tế Phòng khám Đa khoa khu vực Mường Hum cấp cứu bệnh nhân, đồng thời gọi điện thoại xin ý kiến hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát đã trực tiếp hướng dẫn xử trí cấp cứu ban đầu và kịp thời cử ekip bác sĩ lên hỗ trợ cấp cứu, đặt ống nội khí quản, hút đờm khai thông đường thở, sử dụng thuốc hỗ trợ tuần hoàn, cung cấp oxy, truyền dịch...
Sau đó, 2 bệnh nhân ngộ độc được chuyển về Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Hiện cả 2 bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, tự đi lại, ăn uống bình thường, được xuất viện về nhà.
Được biết, đây là 2 trong số 15 trường hợp bị ngộ độc lá ngón được tiếp nhận và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát trong năm vừa qua.
Tất cả các ca bệnh đều được cấp cứu và điều trị kịp thời, trong đó có nhiều ca diễn biến rất nặng, phải thở máy và điều trị dài ngày.
Theo các cán bộ của Bệnh viện đa khoa huyện Bát Xát, cây lá ngón có tên khoa học là Gelsemium elegans.
Lá ngón được người dân gọi với các tên khác như: ngón vàng, thuốc rút ruột, cây rút ruột, co ngón, hồ mạn trường, hồ mạn đằng, hoàng đằng, đoạn trường thảo, câu vẫn.
Người dân cần hết sức cẩn trọng khi hái các loại cây rừng làm thuốc hoặc dùng làm thực phẩm để tránh trường hợp bị ngộ độc cấp đáng tiếc xảy ra.
Khi bị ngộ độc lá ngón cần xử lý sớm, tích cực, khẩn trương và sử dụng các biện pháp gây nôn ngay cho bệnh nhân (nếu bệnh nhân còn tỉnh), sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để xử lý và điều trị kịp thời.
Theo dantri.com.vn