Ở khu vực ngoại thành Hà Nội, khi lượng mưa giảm, ổ bọ gậy không tập trung ở ngoài vườn mà có thể xuất hiện tại khuôn viên nhà.
Thời tiết thay đổi, ổ bọ gậy có thể xuất hiện ngay khuôn viên nhà
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 6/11, toàn thành phố ghi nhận 28.483 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái) tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 99,3% số xã, phường, thị trấn) và 4 trường hợp tử vong.
Trung bình mỗi tuần, thành phố ghi nhận 2.400-2.700 trường hợp.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân, trong đó dẫn đầu là Hà Đông với 1.973 ca, tiếp đến là Hoàng Mai (1.840 ca), Phú Xuyên (1.835 ca), Thanh Oai (1.639 ca), Đống Đa (1.565 ca), Thanh Trì (1.553 ca).
Ngoài ra, toàn thành phố ghi nhận 1.661 ổ dịch, hiện còn 231 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã.
Một bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị (Ảnh: Mạnh Quân).
Theo đại diện UBND quận Hà Đông, quận đã tập trung triển khai đợt cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết, trong đó duy trì thường xuyên công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, tập trung vào khu vực đông dân cư, có số mắc cao…
Thế nhưng, với mật độ dân cư đông, việc xử lý ổ dịch còn gặp nhiều khó khăn.
Từ ngày 6/10, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai đợt cao điểm về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Sau một tháng triển khai, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đánh giá, 30 quận, huyện, thị xã đã triển khai nghiêm túc đợt cao điểm. Qua theo dõi, chỉ số muỗi truyền bệnh, bọ gậy tại các ổ dịch trong tháng 10 có xu hướng giảm rõ rệt so với các tháng 8 và 9.
"Nếu thành phố không có biện pháp quyết liệt thì số ca mắc còn cao hơn số ghi nhận vào thời điểm hiện tại", ông Vũ Cao Cương thông tin.
Dù vậy, theo ông Vũ Cao Cương, với diễn biến tình hình thời tiết như hiện nay, ca bệnh có thể tăng cao trong những tuần tới.
Do đó, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục kiên trì, thường xuyên và liên tục triển khai có hiệu quả công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Đặc biệt, phải xác định được ổ bọ gậy nguồn để xử lý triệt để.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, dù số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao trong năm 2023 nhưng số ổ dịch không nhiều (chỉ bằng 1/3 số ổ dịch của vụ dịch sốt xuất huyết năm 2017).
Đặc biệt số ca tử vong cũng giảm rất nhiều so với những năm trước. Điều đó cho thấy công tác phòng, chống dịch đang được triển khai có hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, qua kiểm tra, còn 25% ổ dịch chưa được xử lý triệt để. Hiện, mùa mưa đã qua nhưng lại xuất hiện những cơn mưa nhỏ. Ở khu vực ngoại thành, khi lượng mưa giảm, nguồn ổ bọ gậy không tập trung ở ngoài vườn mà xuất hiện tại khuôn viên trong nhà.
Do đó, cần xác định nguồn ổ bọ gậy để tập trung xử lý. Cùng với đó, khi phát hiện ổ dịch, phải ngay lập tức phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, nhất là tiến hành phun triệt tại các hộ dân xung quanh ổ dịch theo quy định.
Rà soát lại công tác thu dung, tiếp nhận người bệnh sốt xuất huyết
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà thông tin, mới đây, qua kiểm tra, đoàn công tác của Bộ Y tế đánh giá cao công tác phòng, chống dịch của Thủ đô.
Nhờ triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và đồng bộ nên số ca mắc sốt xuất huyết những tuần gần đây đã có xu hướng giảm.
Hội nghị giao ban trực tuyến với các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch bệnh (Ảnh: UBND TP Hà Nội).
"Dù giảm nhưng số ca mắc vẫn ở mức cao. Do đó, chúng ta không được chủ quan mà cần tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa đợt cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết như đã đề ra từ đầu tháng 10", bà Hà nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, nhờ việc triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường bài bản, hiệu quả và giám sát tốt ca bệnh, ổ dịch nên số ca mắc sốt xuất huyết tại một số quận, huyện như: Thạch Thất, Hai Bà Trưng, Long Biên… đã giảm mạnh.
Còn với những địa phương làm chưa đủ mạnh, xử lý ổ dịch chưa triệt để, cần tiếp tục triển khai các biện pháp thường xuyên hơn.
Về công tác điều trị bệnh nhân, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện nay, các cơ sở y tế vẫn đáp ứng được nhu cầu điều trị của người bệnh, không xảy ra tình trạng quá tải.
Tuy nhiên, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người thành phố Hà Nội lưu ý, ngành Y tế cần tiến hành rà soát lại công tác thu dung, tiếp nhận người bệnh, bảo đảm khi người bệnh sốt xuất huyết đến các cơ sở y tế phải được tiếp nhận và điều trị kịp thời.
Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết các chuyên gia khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết, đặc biệt là người ở khu vực có dịch, người có bệnh nền tuyệt đối không tự điều trị tại nhà mà cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị. Trong giai đoạn nguy hiểm, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có các biểu hiện như: thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, thường kéo dài từ 24 đến 48 giờ; tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to và có thể đau. |
Theo dantri.com.vn