Bơ là một loại trái cây độc đáo, thơm ngon và là nguồn cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất béo không bão hòa đơn. Nhưng vì hàm lượng chất béo cao nên bơ đôi khi bị mang tiếng xấu.
Một quả bơ thường chứa khoảng 320 calo và khoảng 77% lượng calo đó đến từ chất béo. Vì điều này, nhiều người thường thắc mắc liệu họ có nên tránh ăn bơ, đặc biệt khi nói đến sức khỏe tim mạch và giảm cân.
Không phải tất cả các chất béo đều giống nhau
Theo Tiến sĩ William Li, một bác sĩ, nhà khoa học thực phẩm (người đã dành 20 năm nghiên cứu về chế độ ăn giúp đánh bại bệnh tật), khi nói về chất béo, điều quan trọng là phải hiểu rằng mỗi loại chất béo khác nhau có tác dụng khác nhau đối với cơ thể. Không phải tất cả chất béo đều có hại cho chúng ta.
Bơ là loại trái cây bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe (Ảnh: Shutter stock).
Chất béo bão hòa
Nguồn chất béo bão hòa bao gồm mỡ bò, mỡ lợn, da gà; sản phẩm từ sữa như bơ, phô mai, kem; các loại dầu dừa, dầu cọ...
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất béo bão hòa có thể làm tăng mức LDL, thường được gọi là "cholesterol xấu", do đó, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Đây là lý do tại sao nhiều chuyên gia về chế độ ăn uống khuyên những người bị huyết áp cao, cholesterol cao, bệnh tim hoặc những người có nguy cơ mắc các vấn đề về tim nên hạn chế lượng chất béo bão hòa mà họ tiêu thụ.
Ngoài ra, loại chất béo này có nhiều calo trên mỗi gam hơn protein hoặc carbohydrate và do đó được cho là góp phần tăng cân nhiều hơn.
Chất béo không bão hòa
Chất béo không bão hòa được gọi là "chất béo tốt". Chúng thường ở dạng lỏng ở nhiệt độ phòng và thường có nguồn gốc thực vật như ô liu, các loại hạt và bơ. Chúng cũng có thể được tìm thấy trong các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ và cá mòi.
Lợi ích sức khỏe của chất béo không bão hòa đã được chứng minh rõ ràng. Việc tiêu thụ những chất béo không bão hòa này có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các lợi ích sức khỏe khác.
Ví dụ, những người sống ở Vùng Xanh và các khu vực Địa Trung Hải trên thế giới được phát hiện có tỷ lệ mắc bệnh tim và béo phì thấp hơn, mặc dù có chế độ ăn nhiều chất béo. Đó là vì họ thường tiêu thụ chất béo không bão hòa giúp giảm mức cholesterol xấu, giảm viêm và xây dựng màng tế bào mạnh mẽ hơn trong cơ thể.
Các nhà khoa học cũng gợi ý rằng tiêu thụ chất béo lành mạnh có thể có lợi cho việc giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì và giúp họ có được cân nặng khỏe mạnh, đặc biệt nếu kết hợp với chế độ ăn toàn thực phẩm lành mạnh và lối sống năng động.
Bơ là loại chất béo tốt
Bơ có nhiều chất béo không bão hòa đơn, hầu hết là axit oleic, loại axit béo tương tự có trong ô liu và dầu ô liu. Axit oleic đã được chứng minh là làm giảm tình trạng viêm trong cơ thể và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Tuy nhiên, lợi ích sức khỏe của bơ không dừng lại ở đó.
Bơ có đặc tính chống viêm có thể giúp ngăn ngừa cholesterol xấu, giúp chống lại hội chứng chuyển hóa.
Bơ chứa chất dinh dưỡng thực vật có tác dụng ngăn ngừa ung thư và các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng chúng có thể tăng cường khả năng chống lại bệnh bạch cầu và ung thư miệng.
Bơ cung cấp gần 20 loại vitamin và khoáng chất trong mỗi khẩu phần, bao gồm kali (giúp kiểm soát huyết áp), lutein (tốt cho mắt) và folate (rất quan trọng cho việc sửa chữa tế bào và trong quá trình mang thai).
Mỗi ngày nên ăn nửa quả bơ
Bơ cực kỳ phù hợp với chế độ ăn uống lành mạnh vì chúng không chứa natri tự nhiên, ít đường, giàu protein và nhiều chất xơ, giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Nhưng vì hàm lượng chất béo và calo cao nên bạn chỉ nên ăn nửa quả bơ (100g) mỗi lần.
Vì vậy, bất kể bạn có đang cố gắng giảm cân hay không và vì lợi ích sức khỏe dồi dào cũng như chất béo lành mạnh của chúng, TS William Li khuyên bạn nên kết hợp bơ vào chế độ ăn uống của mình.
Những điều cần lưu ý khi ăn bơ
Theo TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam khi được tiêu thụ ở mức độ vừa phải, bơ là một thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho một chế độ ăn uống cân bằng. Người mắc bệnh về thận không nên ăn quá nhiều bơ vì trong bơ chứa nhiều kali.
Mặc dù không phổ biến, nhưng cũng một số người bị dị ứng bơ, gây ra các triệu chứng như nổi mề đay, ngứa.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng ăn bơ nhiều hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn.
"Trên thực tế, quả bơ có lượng calo cao, vì vậy ăn quá nhiều có thể dẫn đến tăng cân, đặc biệt nếu chúng ta không thực hiện các điều chỉnh khác trong chế độ ăn uống của mình. Ăn bơ 2 lần mỗi tuần hoặc ăn mỗi ngày lượng vừa đủ (khoảng 100-130g) sẽ đem lại nhiều lợi ích sức khỏe", TS Giang nhấn mạnh.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/vi-sao-ban-nen-an-nua-qua-bo-moi-ngay-20231113082825291.htm