Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe

Thứ 7, 16.12.2023 | 14:50:28
743 lượt xem

Tình trạng bất bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra ở một số lĩnh vực, trong đó có y tế. Tử vong mẹ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 3 lần vùng thành thị.

Nói đến bình đẳng giới, về cơ bản là nói đến sự bình đẳng về vị thế, cơ hội và các quyền của phụ nữ với nam giới. 

Trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em gái thường là những đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận các cơ hội, các nguồn lực, do các chuẩn mực xã hội đã áp đặt vị trí thấp kém hơn cho họ, giới hạn họ ở các hoạt động sinh con và sản xuất hộ gia đình.

Tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh tại Việt Nam đã giảm rất nhiều, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tử vong mẹ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 3 lần vùng thành thị. Tỷ lệ này ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần ở dân tộc Kinh, Tày.

Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe - 1

Con của sản phụ người dân tộc Mông, ở xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La may mắn thoát chết dù bị sa dây rốn nhờ sự hỗ trợ chuyển viện của cô đỡ thôn bản (Ảnh: T.T).

Khoảng cách về tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh ngày càng tăng. 

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28 về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam  giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Trong lĩnh vực y tế, chiến lược đưa ra 4 chỉ tiêu:

- Chỉ tiêu 1: Tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2025 và 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030.

- Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm còn 42/100.000 trẻ sinh sống vào năm 2025 và xuống dưới 42/100.000 vào năm 2030.

- Chỉ tiêu 3: Tỷ suất sinh ở vị thành niên giảm từ 23 ca sinh/1.000 phụ nữ xuống 18/1.000 vào năm 2025 và dưới 18/1.000 vào năm 2030.

- Chỉ tiêu 4: Tỷ lệ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới đạt 40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.

Để thực hiện mục tiêu chiến lược bình đẳng giới, theo Bộ Y tế cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới.

Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan. Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch của ngành.

Ngoài ra, cần truyền thông nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới, đề cao giá trị của trẻ em gái, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Xây dựng các chuẩn mực, giá trị xã hội phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả bình đẳng giới, tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các đơn vị trong toàn ngành.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số, triển khai các chương trình về nâng cao chất lượng dân số đảm bảo nam, nữ được cung cấp thông tin, tiếp cận bình đẳng tới các hoạt động, dịch vụ tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh triển khai chương trình làm mẹ an toàn tại các tỉnh/thành phố trong cả nước, chú trọng thực hiện các giải pháp can thiệp phù hợp tại các vùng khó khăn, miền núi.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/bao-dam-binh-dang-gioi-trong-tiep-can-dich-vu-cham-soc-suc-khoe-20231213230447955.htm

  • Từ khóa