Người bệnh đái tháo đường cần "nằm lòng" 11 nguyên tắc dinh dưỡng sau

Chủ nhật, 31.12.2023 | 14:29:58
616 lượt xem

Trong các dịp Tết, nghỉ lễ, các gia đình tụ họp, ăn uống nhiều hơn. Với bệnh nhân đái tháo đường, cần tuân thủ 11 quy tắc sau để giữ gìn sức khỏe.

1. Không nên bỏ bữa hay dồn bữa

Dù Tết có bận rộn đến đâu, người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) cũng không nên bỏ bữa hay dồn bữa, vì đây là một trong những mẹo đơn giản nhất để duy trì sự ổn định đường huyết, tránh gây ra các biến chứng hạ đường huyết hay tăng đường huyết.

2. Duy trì lượng thức ăn hàng ngày, hàng bữa

Ngày Tết do phải đi chúc Tết, nhưng người bệnh ĐTĐ cũng nên cố gắng duy trì số lượng thức ăn, số bữa ăn như bình thường. Đừng ăn quá nhiều bữa, nếu không từ chối được thì người bệnh ĐTĐ hãy ăn số lượng ít, đồng thời lựa chọn các thực phẩm ít năng lượng, ít đường nhất có thể.

Để tránh ăn quá nhiều, bạn nên chú ý đến kích thước khẩu phần ăn. Tuân theo quy tắc 1/2 khẩu phần là rau xanh và trái cây tươi, 1/4 khẩu phần là protein và 1/4 còn lại là tinh bột tùy chọn, tốt nhất chọn loại ngũ cốc nguyên hạt.

Ngoài ra, người bệnh ĐTĐ cần ăn đủ lượng chất bột đường mỗi ngày để tránh hạ đường huyết.

Người bệnh đái tháo đường cần nằm lòng 11 nguyên tắc dinh dưỡng sau - 1

Trong mâm cơm ngày Tết thường rất nhiều món giàu dinh dưỡng, ít rau xanh (Ảnh: Getty).

Ngày Tết, ngoài cơm tẻ, còn có bánh chưng, xôi, miến, mỳ… người bệnh ĐTĐ cần biết cách thay thế thực phẩm để vẫn có thể thưởng thức được các món ăn ngày Tết mà không làm rối loạn đường huyết. Cụ thể, 1 lưng bát con cơm = 1/8 chiếc bánh chưng vừa = 1 bát miến = 1 bát mì = 1 bát ngô = lưng bát xôi.

3. Tránh các món nhiều dầu mỡ

Mâm cơm ngày Tết, tùy vùng miền khác nhau sẽ có các món khác nhau, tuy nhiên, thường có nhiều món ăn hơn bình thường. Các món xào, chiên, rán, nướng dùng nhiều dầu mỡ thường rất hấp dẫn và ngon miệng. Một số món xào hay sử dụng phủ tạng dễ làm lượng cholesterol máu tăng cao.

Mâm cỗ ngày Tết có rất nhiều món chứa mỡ động vật như canh măng nấu chân giò, thịt đông, giò thủ (giò xào)… dễ làm tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, cũng có thể dẫn đến đột quỵ như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não...

4. Tránh ăn quá thừa chất đạm (protein)

Trong mâm cơm ngày Tết thường có quá nhiều chất đạm và chất béo từ các món: thịt, cá, giò, chả, nem, thức ăn nhanh (thịt hun khói, xúc xích, lạp xưởng), thịt kho tàu, thịt nấu đông…

Do vậy, người bệnh ĐTĐ vẫn cần duy trì số lượng và cách lựa chọn chất đạm như đã được tư vấn: cân đối giữa chất đạm nguồn gốc động vật và thực vật, ưu tiên sử dụng chất đạm theo thứ tự: thủy hải sản, gia cầm, gia súc...

5. Hạn chế tích trữ thực phẩm và bảo quản đúng cách

Nếu trong tủ lạnh chất kín thức ăn khiến bạn càng ăn nhiều hơn và nếu chúng ta bảo quản thực phẩm không đúng cách, đây có thể là nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.

Hiện tại, các chuỗi cung ứng thực phẩm hay các chợ địa phương chỉ nghỉ có 1-2 ngày Tết, nên chúng ta có thể mua được các thực phẩm tươi ngon để tránh các nguy cơ về sức khỏe do tích trữ thực phẩm và bảo quản sai cách kể trên.

6. Hạn chế đồ ngọt

Ngày Tết mọi người thường có xu hướng tiêu thụ quá nhiều đường từ mứt kẹo, nước ngọt, các loại quả sấy khô… Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng đường huyết ở người bệnh ĐTĐ. Do đó, người bệnh cần ăn với số lượng ít như các bác sĩ đã tư vấn để tránh các biến chứng do tăng đường huyết.

7. Uống đủ nước

Uống đủ nước giúp vận chuyển chất dinh dưỡng, loại bỏ chất thải và giúp chuyển hóa chất béo. Vì vậy, giữ cơ thể đủ nước là điều cần thiết để có một sức khỏe tốt. Hãy mang theo bên mình sẵn một chai nước. Điều này có thể giúp thỏa mãn cơn thèm nếu bạn cảm thấy đói và thức ăn luôn sẵn có.

8. Ăn đủ rau và chất xơ

Rau xanh, trái cây là những thực phẩm tốt cho sức khỏe nên ăn đủ trong mỗi bữa ăn, tuy nhiên trong mâm cơm ngày Tết lại rất thiếu. Đây là nhóm thực phẩm cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ - một nhóm chất quan trọng đối với sức khỏe.

Nên chú ý ăn đủ rau và trái cây theo khuyến nghị. Nên ăn rau trước, vì chất xơ và nước sẽ giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.

9. Nên ăn nhạt

Duy trì các thói quen ăn nhạt đã hình thành trước đó, như khi chế biến cho giảm gia vị, hạn chế bày nước chấm trên bàn ăn, ít sử dụng và sử dụng ít các thực phẩm dưa muối, cà muối, cũng như các thực phẩm chế biến sẵn.

10. Hạn chế uống rượu bia

Rượu bia và đồ uống có cồn thường được phục vụ trong các bữa tiệc mừng năm mới. Tuy nhiên, chúng gây hại cho cơ thể nhiều hơn lợi, đặc biệt dễ nhầm lẫn giữa say rượu và triệu chứng hạ đường huyết trên người bệnh ĐTĐ.

Nếu uống thì cần tuân thủ rượu bia an toàn, nam giới không quá 2 đơn vị cồn/ngày; nữ giới không quá 1 đơn vị cồn/ngày và 1 tuần chỉ nên uống tối đa 5 ngày. 1 đơn vị cồn tương đương khoảng 3/4 lon bia 330ml, tương đương 1 cốc bia hơi hay 1 ly rượu vang, hoặc 1 ly rượu mạnh 30ml (40%).

11. Duy trì hoạt động thể lực

Ngày Tết tuy bận rộn, và lịch sinh hoạt có thể thay đổi nhưng người bệnh ĐTĐ vẫn nên duy trì thời gian để tập thể dục. Không nhất thiết phải là những bài tập phức tạp, có thể là đi bộ, đạp xe, tập yoga… khoảng 30-60 phút/ ngày, thực hiện đều đặn 5 ngày/ tuần.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/nguoi-benh-dai-thao-duong-can-nam-long-11-nguyen-tac-dinh-duong-sau-20231231095512985.htm

  • Từ khóa