Nghĩ rằng triệu chứng do phải học nhiều và thường xuyên dùng điện thoại, thời gian đầu nữ sinh này không đi khám mà chỉ nghỉ ngơi, uống thuốc giảm đau và hạn chế thiết bị công nghệ.
Liên (tên nhân vật đã được thay đổi), 20 tuổi là sinh viên của một trường đại học tại Hà Nội. Gần đây, Liên bất ngờ xuất hiện tình trạng đau nửa đầu bên phải và giảm thị lực mắt phải.
Nghĩ rằng triệu chứng do phải học nhiều và thường xuyên dùng điện thoại, thời gian đầu Liên không đi khám mà chỉ nghỉ ngơi, uống thuốc giảm đau và hạn chế thiết bị công nghệ.
Tuy nhiên tình trạng không thuyên giảm mà thị lực lại đi xuống trầm trọng nên Liên quyết định đi khám mắt. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định đáy mắt của Liên có vấn đề, nghi liên quan đến mạch máu nên được chuyển đến bác sĩ điều trị theo đúng chuyên khoa.
Cô gái trẻ bất ngờ xuất hiện triệu chứng đau nửa đầu và giảm thị lực mắt phải (Ảnh minh họa: Getty).
Liên là bệnh nhân được ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam tiếp nhận mới đây.
Theo BS Mạnh, kết quả kiểm tra chuyên sâu phát hiện bệnh nhân có huyết khối hoàn toàn xoang tĩnh mạch sigma trái, lan một phần vào đoạn đầu tĩnh mạch cảnh trong bên trái, chưa lan vào xoang ngang. Chính điều này gây ảnh hưởng đến thị lực, khiến nữ sinh này bị mờ mắt và đau đầu.
Đáng chú ý, qua khai thác bệnh sử, cô gái 20 tuổi này không hề có các yếu tố nguy cơ như: dùng chất kích thích, béo phì và một số loại thuốc.
Theo BS Mạnh đây là trường hợp hiếm gặp. Huyết khối tĩnh mạch thông thường hay gặp ở chi dưới , sau đó nếu không điều trị các huyết khối này mới di chuyển lên các cơ quan khác như tim, phổi và gây tắc. Từ đó dẫn tới các bệnh lý nguy hiểm khác như nhồi máu phổi, tắc động mạch phổi… có thể gây tử vong.
"Bệnh nhân được điều trị bằng cách cho dùng thuốc chống đông theo chỉ định của bác sĩ, hiện thị lực của bệnh nhân đã hồi phục, huyết khối cũng đã tan và đang được tiếp tục theo dõi", BS Mạnh cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, qua thực tế lâm sàng, sau đại dịch Coivd-19, các bệnh lý tĩnh mạch xuất hiện nhiều hơn đáng kể và ngày càng trẻ hóa. Đã có bệnh nhân tuổi còn trẻ đã phải cắt cụt chi, mắc bệnh tim phổi, dùng thuốc cả đời vì chủ quan với huyết khối tĩnh mạch.
BS Mạnh cho biết, huyết khối là bệnh mạch máu nguy hiểm nhưng nếu được phát hiện sớm, có biện pháp kiểm soát, điều trị thì có thể xử lý hiệu quả không để lại tình trạng nặng nề.
Tuy nhiên, cũng theo BS Mạnh, các triệu chứng ban đầu của huyết khối thường ít được để ý đến hoặc dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề khác nên dễ bị bỏ sót bệnh.
Hiện nhiều người, nhất là người trẻ còn chủ quan, mơ hồ về bệnh, từ đó dẫn tới biến chứng nặng.
"Huyết khối tĩnh mạch thường gặp ở chi dưới với những triệu chứng ban đầu như hay bị chuột rút một chân, thường bị chân trái.
Khi xuất hiện tình trạng chân bị phù thì huyết khối đã hình thành, nếu không đi khám, điều trị thì việc điều trị sẽ rất khó khăn. Ngoài ở chân, huyết khối cũng có thể gặp ở các bộ phận khác như ở phổi, tim, não hay trường hợp trên là ở xoang", BS Mạnh chỉ rõ.
BS Mạnh khuyến cáo khi có những triệu chứng như chuột rút một bên chân, phù chân, đau nửa đầu, tức ngực phải… nhất là ở những người có yếu tố nguy cơ thì cần phải đi khám sớm.
Theo dantri.com.vn