Cây xạ đen chứa nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe, thậm chí đang được nghiên cứu để đánh giá hiệu quả với bệnh lý ung thư. Tuy nhiên, khi sử dụng bạn cần đặc biệt lưu ý vì có thể gây độc.
Xạ đen là loại dược liệu phân bố nhiều ở Trung Quốc và các nước như Việt Nam, Ấn Độ… Tại Việt Nam, xạ đen phân bố ở các tỉnh như Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình…
Xạ đen cũng như nhiều loại cây khác thuộc họ Celastraceae rất giàu các hợp chất như glycoside tim, flavonoid, alkaloids, acid chlorogenic, acid caffeic, triterpenoid… Trong đó, glycoside tim là những glycoside steroid có tác dụng làm chậm và điều hòa nhịp tim.
Flavonoid là nhóm hợp chất có tác dụng chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương của các gốc tự do, chống viêm loét, an thần, tăng tuần hoàn máu não.
Xạ đen có nhiều thành phần tốt cho sức khỏe, tuy nhiên khi sử dụng cần đảm bảo đúng liều lượng (Ảnh minh họa: V.C).
Alkaloids là những chất có hoạt chất sinh học cao, tùy mỗi loại mà có tác dụng khác nhau như ức chế hoặc kích thích hệ thần kinh trung ương, tác dụng lên hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm, ảnh hưởng đến huyết áp và có tác dụng chống ung thư trên mô hình thực nghiệm.
Ngoài ra, anthocyanin là chất tạo nên màu sắc đặc trưng của quả xạ đen và có khả năng chống vi khuẩn, chống viêm và bảo vệ sức khỏe tim mạch. Kẽm, kali, canxi và vitamin C trong loại cây này cũng có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe chung và hỗ trợ chức năng của cơ thể.
Acid chlorogenic và acid caffeic là các chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có khả năng làm giảm viêm và bảo vệ tế bào. Triterpenoid có tính kháng vi khuẩn và kháng nấm, giúp hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh.
Theo Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K, đối với bệnh lý ung thư, lá xạ đen đang được nghiên cứu để đánh giá hiệu quả.
Trong đó, một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tại Trung Quốc sử dụng dịch chiết lá xạ đen để xem khả năng chống lại tế bào ung thư phổi tế bào nhỏ, ung thư đại tràng, ung thư gan, ung thư vú. Kết quả là khả năng gây độc tính đạt mức độ trung bình và yếu.
Một nghiên cứu khác tại Việt Nam đánh giá ảnh hưởng của dịch chiết trong lá xạ đen Celastrus hindsii Benth (được trồng ở châu Âu) lên tế bào ung thư trên chuột.
Lá xạ đen sau khi thu hái được tách chiết với kỹ thuật cao (rửa, sấy khô, cắt nhỏ rồi chiết xuất với cồn 90%, lặp lại 3 lần, sau đó dịch chiết được lọc bằng kỹ thuật cao). Nghiên cứu này thử nghiệm trên chuột với 3 dòng tế bào ung thư ung thư gan, ung thư phổi và ung thư vú.
Kết quả cho thấy dịch chiết lá xạ đen cho tác dụng mạnh nhất với hai dòng tế bào ung thư gan và phổi, ngoài ra cũng có tác dụng chống oxy hóa. Từ đó cho thấy tiềm năng của lá xạ đen trong việc chống oxy hóa và gây độc với các dòng tế bào ung thư.
Những lưu ý khi sử dụng xạ đen
Những nghiên cứu đánh giá trên chủ yếu dùng kỹ thuật cao để tách chiết, quy mô còn nhỏ và đặc biệt là chưa có nghiên cứu thực hiện trên người. Bởi vậy cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để đánh giá toàn diện khả năng chuyển hóa, hấp thu, thải trừ của dịch lá xạ đen đối với cơ thể con người trước khi sử dụng lá xạ đen như một dược liệu điều trị bệnh lý ung thư.
Lá xạ đen bao gồm rất nhiều hợp chất có tác dụng hóa học mạnh, tác dụng đa cơ quan và cũng có thể gây độc. Bên cạnh đó, cây xạ đen ở Việt Nam có rất nhiều loại, nghiên cứu chưa đầy đủ dễ dẫn đến sự nhầm lẫn trong quá trình sử dụng.
Do vậy, người bệnh cần có sự hướng dẫn điều trị từ nhân viên y tế trước khi dùng lá xạ đen để phòng và điều trị bệnh lý.
Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết thêm, liều lượng thông thường là 10-15gr dược liệu khô, tối đa chỉ nên dùng xạ đen khoảng 70gr/ngày. Việc sử dụng quá liều có thể dẫn đến tình trạng tụt huyết áp, hoa mắt, chóng mặt.
Thuốc hoặc trà từ xạ đen nên nấu hoặc hãm đúng liều lượng và dùng hết trong ngày, tránh để qua đêm (khi sử dụng qua đêm có thể gây đầy bụng, đau bụng, thậm chí tiêu chảy).
Bên cạnh đó, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con cho bú, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, bệnh nhân suy gan, suy thận là những đối tượng không nên sử dụng. Nếu muốn dùng xạ đen để hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư, người bệnh cần hỏi ý kiến của bác sĩ.
Xạ đen có tác dụng an thần nên có thể gây buồn ngủ… nên cần lưu ý khi lái xe, vận hành máy móc và làm những công việc cần sự tỉnh táo.
"Khi uống xạ đen bạn không nên sử dụng rượu, bia, các loại thực phẩm như cà pháo, đậu xanh, măng chua, rau muống... vì có thể làm giảm tác dụng của xạ đen.
Người đang dùng thuốc tây y để điều trị các bệnh khác nên uống thuốc tây và các bài thuốc từ cây xạ đen cách nhau tối thiểu 30 phút, để đạt hiệu quả và tránh tương tác thuốc bất lợi", Lương y Giang khuyến cáo.
Theo dantri.com.vn