Trạm y tế xã, phường, thị trấn (TYT xã) là mạng lưới y tế gần dân nhất, tuyến đầu trong bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ (CSSK) cộng đồng. Những năm qua, hệ thống y tế cấp xã đã phát huy tốt vai trò, góp phần chăm sóc sức khoẻ Nhân dân ngày càng tốt hơn.
Người dân xã Châu Sơn, huyện Đình Lập được tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí tại Trạm Y tế xã
Mắc bệnh tăng huyết áp đã 5 năm nay, hằng tháng, bà Nguyễn Thị Dợm, 71 tuổi, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn đều đến TYT xã để khám, nhận thuốc điều trị và được các cán bộ y tế xã tư vấn thêm về cách tự CSSK tại nhà. Bà Dợm cho biết: Trước đây, mỗi tháng tôi phải đến Trung tâm Y tế huyện để khám, nhận thuốc định kỳ, mỗi lần đi đều phải nhờ con cháu đưa đi vì bệnh viện huyện cách nhà 15km. Từ năm 2020, hồ sơ bệnh án của tôi được chuyển về TYT xã, giúp tôi giảm được thời gian, chi phí đi lại cho mỗi lần khám định kỳ, tôi thấy rất thuận tiện và yên tâm.
Trước đây, việc quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp… chủ yếu được thực hiện bởi các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện. Song, trong 5 năm trở lại đây, việc lập hồ sơ bệnh án, quản lý và điều trị bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm đã được TYT các xã, thị trấn thực hiện, góp phần giảm tải bệnh nhân cho y tế tuyến trên và tạo thuận tiện cho người dân trong quá trình khám chữa bệnh.
Ông Hoàng Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: TYT xã có vai trò quan trọng, là nơi triển khai các hoạt động y tế dự phòng, phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh và CSSK ban đầu cho Nhân dân. Để TYT các xã, phường, thị trấn phát huy tốt vai trò CSSK cộng đồng, thời gian qua, ngành y tế tỉnh đã tích cực tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm đầu tư kinh phí để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng các TYT xã; mua sắm các trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ khám chữa bệnh, sơ cấp cứu ban đầu; quan tâm đào tạo nhân lực y tế tại các trạm bảo đảm đủ về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được CSSK ngay từ cơ sở, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, hạn chế tình trạng chuyển tuyến không cần thiết, giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.
Để đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, thời gian qua, các TYT đều phân công trực cấp cứu 24/24 giờ; tổ chức các hoạt động tiêm chủng mở rộng; phối hợp tổ chức các đợt khám sàng lọc phát hiện bệnh không lây nhiễm, bệnh lao, khám sàng lọc trước sinh cho phụ nữ mang thai, khám sức khoẻ cho người cao tuổi... Bên cạnh đó, trung tâm y tế tuyến huyện cũng thường xuyên cử cán bộ y tế xã tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ; định kỳ tổ chức giao ban với TYT các xã để tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện huyện về TYT để hỗ trợ TYT xã nâng cao chất lượng công tác dự phòng, khám, chữa bệnh.
Người dân được khám bệnh miễn phí trong chương trình khám, cấp phát thuốc miễn phí tại Trạm Y tế xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn
Bác sĩ Nông Thị Tỉnh, Trưởng TYT xã Đại Đồng, huyện Tràng Định cho biết: TYT xã hiện có 6 cán bộ, nhân viên y tế. Trung bình mỗi năm, chúng tôi thực hiện khám, chữa bệnh cho khoảng 9.000 lượt bệnh nhân. Hằng ngày, các cán bộ đều phân công trực 24/24 giờ tại trạm để tiếp nhận, thực hiện sơ, cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân trước khi chuyển lên bệnh viện tuyến trên nếu cần.
Cùng đó, nhằm củng cố cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ cho TYT xã, ngày 29/8/2022, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về dự án đầu tư xây dựng, cải tạo 50 trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành thi công xây dựng, hiện đang tập trung hoàn thiện các hạng mục phụ trợ, chờ bàn giao và đưa vào sử dụng, dự kiến hoàn thành trong quý II/2024.
Bác sĩ Lê Thị Thương, Trưởng TYT xã Hoà Cư, huyện Cao Lộc cho biết: Hoà Cư là xã vùng III, có 613 hộ với 2.096 nhân khẩu. Hằng tháng, TYT thực hiện khám, điều trị cho trên 350 lượt bệnh nhân. Trước đây, TYT cũ đã xuống cấp, chỉ có 5 phòng chức năng nên chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Tháng 7/2023, trạm được đầu tư xây mới với tổng diện tích khoảng 500m2 với 10 phòng làm việc và phòng điều trị, các hạng mục đến nay đã cơ bản hoàn thiện, chờ nghiệm thu và đưa vào sử dụng. TYT được xây mới không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để các y, bác sĩ thực hiện tốt công tác chuyên môn mà còn tạo sự phấn khởi của người dân khi đến khám, chữa bệnh.
Hiện nay, toàn tỉnh có 185/200 TYT xã, phường, thị trấn đủ điều kiện và triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 100% TYT có bác sĩ làm việc; 97% TYT có hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, 98,5% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động; 199/200 xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã (theo Quyết định 1300/QĐ-BYT) thực hiện được trên 70% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến, tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm… Từ năm 2023 đến nay, TYT các xã, phường, thị trấn đã khám, điều trị cho gần 900.000 lượt bệnh nhân, chiếm 51% tổng số lượt khám, chữa bệnh toàn tỉnh.
Có thể khẳng định, TYT các xã, phường, thị trấn đã phát huy tốt vai trò, trở thành “địa chỉ tin cậy” trong CSSK ban đầu cho người dân. Trước nhu cầu CSSK ngày càng cao của người dân, thời gian tới, ngành y tế tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của TYT; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, thuốc thiết yếu cho các TYT xã; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ khám, chữa bệnh cho đội ngũ y, bác sĩ làm việc tại các TYT xã…
Theo baolangson.vn