Hiện nay, nguy cơ lây lan, bùng phát các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà, bạch hầu, cúm gia cầm trên người là rất lớn. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, diễn ra chiều 10/4, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn.
Điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ tại thành phố Hà Nội. (Ảnh VÂN VÂN)
Bộ Y tế cho biết, thời gian qua với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các bộ, ban, ngành, chính quyền các địa phương, công tác phòng chống các dịch bệnh ở nước ta đã thu được một số kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, bối cảnh chung của thế giới và ở Việt Nam cho thấy một số bệnh như sởi, ho gà đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương; một số bệnh ghi nhận số mắc ở mức cao như tay chân miệng, sốt xuất huyết. Đặc biệt, Việt Nam đã ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại tỉnh Khánh Hòa và trường hợp đầu tiên mắc cúm A(H9N2) tại tỉnh Tiền Giang.
Theo số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Lũy kế đầu năm 2024 đến nay, cả nước có hơn 10 nghìn ca mắc bệnh tay chân miệng, số mắc chủ yếu ghi nhận trong các cơ sở giáo dục mầm non, với hơn 90% số trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh; sốt xuất huyết ghi nhận gần 14.500 ca (giảm 41,9% so với cùng kỳ năm 2023)...
Đối với các bệnh có vắc-xin dự phòng, cả nước ghi nhận 130 ca mắc bệnh sởi (tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2023); ho gà 118 ca mắc (tăng 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2023). Cục trưởng Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức cho biết, công tác phòng chống các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, một số bệnh có vắc-xin dự phòng, cúm gia cầm trên người ở nước ta còn gặp không ít khó khăn, thách thức như: Chưa huy động được sự phối hợp, chủ động của các ban, ngành, đoàn thể tham gia; sự phối hợp, giám sát dịch tại các cơ sở giáo dục mầm non chưa hiệu quả; chương trình mục tiêu không còn, dẫn đến hệ thống cộng tác viên tuyên truyền loại bỏ bọ gậy, chiến dịch vệ sinh môi trường phun diệt muỗi gặp khó khăn, trong khi đó không có thuốc điều trị đặc hiệu, một số bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh.
Đặc biệt, với các bệnh có vắc-xin phòng bệnh, khó khăn lớn nhất hiện nay là tỷ lệ tiêm vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng giảm trong giai đoạn Covid-19. Trong khi đó, các bệnh sởi, ho gà có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu rất cao (>95%) tại cộng đồng.
Riêng bệnh bạch hầu, khả năng miễn dịch bị suy giảm và không có tác dụng bảo vệ suốt đời, cần phải tiêm nhắc lại vắc-xin để duy trì khả năng bảo vệ. Ngoài ra, nguồn gây bệnh từ động vật nên ngành y tế không thể đơn phương kiểm soát, đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa nhiều ngành, đơn vị.
Từ thực tiễn công tác phòng chống nguy cơ bùng phát dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng Bộ Y tế cần thường xuyên cập nhật và hướng dẫn các nội dung chuyên môn phù hợp với tình hình thực tế như: Hướng dẫn thành lập và hoạt động của các đội xung kích diệt bọ gậy hoặc cộng tác viên về phòng chống sốt xuất huyết; định mức kinh tế kỹ thuật về vật tư, hóa chất, nhân lực, kinh phí cho hoạt động phòng chống sốt xuất huyết nói riêng và các bệnh do côn trùng truyền sang nói chung để các địa phương thực hiện theo đúng quy định.
Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện trung ương nhập thông tin ca bệnh vào phần mềm theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm đúng quy định.
Theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, UBND các tỉnh, thành phố cần bố trí đủ kinh phí cho hoạt động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng mở rộng tại địa phương; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống dịch, nhất là huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn.
Mặt khác, ngành y tế tại địa phương tham mưu UBND tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt Kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động triển khai hiệu quả giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, cộng đồng và các cơ sở y tế để xử lý kịp thời; kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, nhất là hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong do các bệnh truyền nhiễm.
Toàn ngành triển khai tốt công tác tiêm chủng thường xuyên, hằng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó tập trung tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ là đối tượng tiêm chủng của năm 2023 chưa được tiêm chủng đầy đủ trong thời gian bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Người đứng đầu ngành y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế hướng dẫn, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, hỗ trợ kỹ thuật về xét nghiệm cho các đơn vị y tế địa phương; giám sát, hỗ trợ, nâng cao chất lượng và tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc- xin, phòng chống các bệnh có nguy cơ bùng phát hoặc có số tử vong cao như dại, sởi, bạch hầu...; nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, yếu tố nguy cơ, dự báo dịch của những bệnh truyền nhiễm, những yếu tố và quy luật phát triển của bệnh dịch mang tính đặc thù trong khu vực.
Các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh cũng như thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/giam-sat-tich-cuc-de-phat-hien-som-dich-benh-tai-cong-dong-post804112.html