Ung thư phổi được xếp vào nhóm ung thư khó phát hiện sớm. Vì thế, người dân cần đặc biệt lưu ý đến những dấu hiệu tưởng chừng bình thường như ho dai dẳng, khàn tiếng kéo dài, đau tức ngực, khó thở…
Theo TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm, Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật nội soi robot, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K, ung thư phổi diễn biến rất âm thầm, rất khó phát hiện sớm do dấu hiệu khởi phát nghèo nàn, chụp X-quang thường không phát hiện được khối u kích cỡ nhỏ.
Ung thư phổi được xếp vào loại ung thư khó phát hiện sớm. Dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị song tiên lượng bệnh vẫn còn dè dặt. Tiền sử bệnh, thể trạng, loại mô học ung thư phổi, giai đoạn, phương pháp và phản ứng với điều trị là các tác nhân đóng vai trò tiên lượng trong bệnh lý ác tính này.
Tùy theo vị trí và kích thước của khối u mà triệu chứng sớm khác nhau tùy mỗi người. Dưới đây là 5 dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi:
- Ho
Ho là dấu hiệu hay gặp trong ung thư phổi nhưng ho cũng biểu hiện rất nhiều bệnh lý khác.
Ho có thể là do bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp và thường hết sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, nếu ho kéo dài lâu ngày, đặc biệt ho ra máu là dấu hiệu cảnh báo bạn mắc ung thư phổi. Bạn hãy đi khám, chụp X-quang kết hợp với xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân.
Có những bệnh nhân ho ra máu, đau ngực kèm sút cân nhanh, khi đến viện chụp X-quang thông thường, khối u đã to 2-10cm.
- Đau tức ngực
Đau tức ngực trong ung thư phổi có thể là do khối u xâm lấn rộng hoặc đã di căn hạch gây chèn ép các dây thần kinh khiến người bệnh bị đau vùng ngực, lưng hoặc vai, nhất là khi hít thở sâu, ho, cười. Cơn đau diễn ra trong một vùng nào đó hay lan tỏa trên toàn bộ khoang ngực.
- Khàn tiếng
Đôi khi khàn tiếng cũng là dấu hiệu của một đợt cảm lạnh thông thường nhưng sẽ dần biến mất sau thời gian ngắn. Nếu khàn tiếng trên 2 tuần là dấu hiệu cảnh báo bất thường. Khi đó, bạn nên đi khám để tìm nguyên nhân bởi trong ung thư phổi khối u có thể đã chèn vào dây thần kinh thanh quản làm biến đổi giọng nói người bệnh.
- Khó thở
Nếu thường xuyên bị khó thở, bạn cũng không nên chủ quan bởi nếu phổi có khối u có thể làm giảm thể tích thông khí dẫn đến khó thở.
- Gầy sút cân, mệt mỏi
Đôi khi những người mắc ung thư phổi thường không ho hay đau ngực, mà chỉ thấy xuất hiện cảm giác chán ăn, ăn không ngon kéo dài, gầy sút từ vài kg tới 5-6kg trong 1,2 tháng.
Theo Verywell Health, cảm giác mệt mỏi do ung thư có thể là ung thư phổi khác với cảm giác mệt mỏi thông thường. Một số người mô tả nó là mệt mỏi toàn thân hoặc thậm chí kiệt sức. Loại mệt mỏi này sẽ không thuyên giảm sau một đêm ngon giấc hay một tách cà phê.
Khoảng 13% bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm không có bất cứ triệu chứng gì. Vì vậy, cần đi khám để phát hiện và sàng lọc sớm ung thư phổi nếu thấy mình hoặc người thân trong gia đình có một hoặc nhiều triệu chứng nêu trên.
Bên cạnh đó, các dấu hiệu ung thư phổi ở người không hút thuốc có thể khác với những triệu chứng ở những người hút thuốc. Điều này do các loại ung thư phổi thường khác nhau ở 2 nhóm này.
Ở những người không bao giờ hút thuốc, các dấu hiệu ban đầu của ung thư phổi thường tinh tế và không đặc hiệu, chẳng hạn như khó thở chỉ xuất hiện khi hoạt động hoặc mệt mỏi. Vì lý do này, và vì chưa có xét nghiệm sàng lọc cho những người không bao giờ hút thuốc, ung thư phổi thường được chẩn đoán trong các giai đoạn nặng hơn của bệnh.
Ai là đối tượng cần phải sàng lọc?
Hiện nay, Hiệp hội ung thư lâm sàng Mỹ và Mạng lưới ung thư quốc gia của Mỹ đã khuyến cáo sàng lọc ung thư phổi cho các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao là người có độ tuổi 55-74 tuổi, có tiền sử hút thuốc lá ít nhất 30 (bao - năm), đang hút thuốc lá hoặc đã bỏ chưa quá 15 năm, có sức khỏe tương đối tốt.
Hoặc người có tuổi từ 50 trở lên, có tiền sử hút thuốc ít nhất 20 (bao - năm) và có các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc lá thụ động, tiền sử gia đình, tiếp xúc khói bụi độc hại, có bệnh phổi mạn tính khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Với các trường hợp có yếu tố nguy cơ ở mức độ trung bình và mức độ thấp, không khuyến cáo sàng lọc ung thư phổi.
Các trường hợp có yếu tố nguy cơ trung bình là người từ 50 tuổi trở lên, có tiền sử hút thuốc lá ít nhất 20 (bao - năm) nhưng không kèm theo các yếu tố nguy cơ khác.
Các trường hợp có yếu tố nguy cơ thấp là người dưới 50 tuổi, có tiền sử hút thuốc dưới 20 (bao - năm).
Cách tính chỉ số bao - năm:
Chỉ số bao - năm = (số gói thuốc hút trong một ngày) x (số năm đã hút thuốc). Trong đó, 1 gói thuốc = 20 điếu.
Ví dụ, bạn hút thuốc 2 gói/ngày, trong vòng 10 năm, nghĩa là bạn đã hút 2x10 = 20 (bao - năm).
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/5-dau-hieu-bao-dong-do-canh-bao-ung-thu-phoi-20240627072815219.htm