Thận trọng với món ăn từ côn trùng, nấm rừng

Chủ nhật, 30.06.2024 | 14:33:35
392 lượt xem

Lâu nay các món ăn được chế biến từ nhộng ong, châu chấu, dế mèn, đuông dừa hoặc nấm rừng… vốn được khá nhiều người yêu thích bởi có hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, người sử dụng cũng cần cẩn trọng bởi trên thực tế nhiều loại côn trùng, nấm rừng có sẵn độc tố hoặc bị nhiễm độc từ tự nhiên có nguy cơ khiến nhiều người gặp nguy hiểm hoặc giảm sút sức khỏe sau khi ăn.

Bệnh nhân ngộ độc nấm điều trị tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai. (Ảnh: PHƯƠNG THẢO)

Vừa qua, tại bản Phìn Khò, xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu xảy ra vụ ngộ độc do ăn nấm rừng khiến hai cháu nhỏ thiệt mạng. Vụ việc xảy ra tối 31/5. Bà Ly Phì Xó ở bản Phìn Khò chế biến thức ăn, trong đó có món nấm do các cháu của bà hái trên nương. Khoảng 19 giờ cùng ngày, 7 bà cháu cùng ăn cơm với món canh rau bí nấu nấm. Sau vài giờ dùng cơm tối, các cháu Phùng L.D (9 tuổi) và Phùng M.D (11 tuổi) kêu đau đầu, chóng mặt, đau bụng nhiều và nôn ra thức ăn, những cháu còn lại có dấu hiệu đau bụng ít và buồn nôn.

Khoảng 0 giờ ngày 1/6, cháu Phùng L.D chết tại lán nương; khoảng 9 giờ ngày 3/6, cháu Phùng M.D cũng thiệt mạng. Bà Ly Phì Xó không thông báo chính quyền địa phương mà tự chôn cất các cháu tại nương. Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, Công an xã Bum Tở đã đưa 4 cháu bé và bà Xó xuống Trung tâm Y tế huyện Mường Tè khám, cấp cứu và được chẩn đoán nghi ngộ độc thực phẩm do ăn phải nấm độc. Hiện 5 bà cháu đã ổn định sức khỏe và đang được theo dõi, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Mẫu thức ăn nghi gây ngộ độc đã được gửi về Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân.

Thận trọng với món ăn từ côn trùng, nấm rừng ảnh 1

Đại diện Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm đến thăm hỏi, động viên bệnh nhân nhập viện nghi do ăn phải nấm độc nằm theo dõi, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang. (Ảnh: BÍCH HẠNH)

Trước đó, ông Nguyễn Thanh T, thôn Bắc Ngầm, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai cùng một số người trong gia đình cùng ăn cơm trưa. Ngoài các món thịt chó nấu rựa mận, canh xương chó nấu nấm kim chi, rau muống luộc, ông T còn làm món côn trùng rang với hành khô. Sau khi ăn, ông T có biểu hiện tê môi, lưỡi và đau bụng, tiêu chảy, nôn, tiểu buốt. Ông T nhanh chóng được người thân đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng khám và điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán ông T bị ngộ độc sâu ban miêu. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai điều trị. Qua xác minh, loại côn trùng nêu trên dài khoảng 2 cm, chiều ngang khoảng 0,3 cm, thân mầu đen, đầu mầu đỏ cam và được ông T bắt ngoài vườn rau ngót của nhà mang về rang ăn.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Phương Trung, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội, mùa hè, mưa nhiều cho nên có rất nhiều loại côn trùng, nấm rừng sinh sôi và phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị dinh dưỡng cũng như lợi ích về sức khỏe mà một số côn trùng và nấm mang lại thì cũng có rất nhiều loài côn trùng, nấm có độc tố hoặc do nhiễm độc từ thiên nhiên có thể gây hại.

Cá biệt, có những loài côn trùng sau khi chết sẽ sản sinh ra các loại độc tố nguy hiểm, như sâu ban miêu là một loài bọ cánh cứng, có chứa chất độc Cantharidin, nếu ăn phải chất độc này, người ăn sẽ bị phồng rộp, bỏng đường tiêu hóa, hoại tử dạ dày, ruột và gây tổn thương gan, thận và thậm chí dẫn đến tử vong. Một số loài côn trùng không có độc, chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, tuy vậy một số người sau khi ăn thường có biểu hiện dị ứng mẩn đỏ, mẩn ngứa khắp người, khó thở, ở một số người có thể gây sốc phản vệ.

Đối với những loại nấm rừng có chứa độc tố Amatoxin, như nấm độc tán trắng (Amanita verna), nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa) thường có mầu trắng đẹp, dễ gây nhầm lẫn với loại nấm không có độc. Một số loại nấm mặc dù không có độc tố nhưng mọc tại khu vực có độc cho nên cũng bị nhiễm độc và gây hại. Những người ăn phải những loại nấm có chứa độc tố này sẽ dẫn đến bị phá hủy tế bào, nhất là tế bào gan, gây ra suy gan cấp, suy thận cấp, suy đa tạng dẫn đến hôn mê và tử vong.

Một trong những nguyên nhân cần lưu ý với người dân về lý do gây gia tăng các vụ ngộ độc côn trùng, nấm rừng trong thời gian gần đây là do những người dùng mạng xã hội thường xuyên đăng tải video ẩm thực về các loại nấm dại, côn trùng tự nhiên mang tính chất kinh nghiệm nhằm mục đích câu view, câu like mà chưa được kiểm chứng.

Thận trọng với món ăn từ côn trùng, nấm rừng ảnh 3

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) tuyên truyền cho người dân về cách phòng tránh ngộ độc do ăn phải nấm độc. (Ảnh: BÍCH HẠNH)

Trước các vụ ngộ độc do ăn côn trùng, nấm độc xảy ra trong thời gian qua, nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được ăn những loại nấm lạ, nấm mọc hoang dại và chỉ nên sử dụng những loại nấm được nuôi trồng, được các cơ quan chức năng có uy tín kiểm định. Hơn nữa, những loại nấm tươi, mới thu hái và ăn được cần nấu ăn ngay, nếu để ôi thiu, dập nát có thể hình thành độc tố sẽ gây ngộ độc cho người dùng.

Bên cạnh đó, người dân cũng không nên ăn các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ đã bị chết hoặc có hình dạng, mầu sắc khác lạ với tự nhiên. Không nên sử dụng các loại côn trùng lạ để chế biến thành các món ăn tái, sống, ngâm rượu để uống... Trường hợp người bị ngộ độc do ăn côn trùng, nấm rừng, nếu còn tỉnh táo, cần kích thích tự gây nôn càng sớm càng tốt, kêu gọi sự hỗ trợ của mọi người. Ngoài ra, nếu có than hoạt tính thì nên uống ngay với liều lượng 1g/kg cân nặng (người lớn khoảng từ 40 đến 50g). Sau đó, cần nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến các cơ sở y tế gần nhất để điều trị.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/than-trong-voi-mon-an-tu-con-trung-nam-rung-post816824.html

  • Từ khóa