Hiện những cá nhân này đã được cách ly, theo dõi sức khỏe. Các nhân viên y tế tiến hành điều trị dự phòng bằng kháng sinh cho những người tiếp xúc gần bệnh nhân trong vòng 7 ngày.
Liên quan đến trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu vừa được phát hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với cơ quan chức năng huyện Hiệp Hòa rà soát, lấy mẫu xét nghiệm đối với 15 trường hợp tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh (F1).
Bước đầu, cơ quan chuyên môn xác định, trong các ngày 25-28/6, bệnh nhân B. và một người bạn cùng quê là M.T.S. ở chung phòng tại ký túc xá Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, huyện Kỳ Sơn với P.T.C.
P.T.C. là bệnh nhân mắc bạch hầu tử vong rạng sáng 5/7.
Ngày 1/7, B. và S. bắt xe từ huyện Kỳ Sơn về huyện Hiệp Hòa, làm việc tại cơ sở karaoke Quán Lá, thôn Trung Tâm.
Hướng dẫn chủ động phòng bệnh bạch hầu (Ảnh: CDC Bắc Giang).
Ngày 2-5/7, B. và S. có mặt tại 4 quán karaoke trên địa bàn các xã: Hợp Thịnh, Thường Thắng, Đại Thành (cùng huyện Hiệp Hòa) và quán karaoke 1990 ở thôn An Lạc, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Thời gian có mặt 19h30-23h.
Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm đối với B., CDC Bắc Giang đã phối hợp với TTYT huyện Hiệp Hòa, UBND các xã: Hợp Thịnh, Thường Thắng, Đại Thành tiến hành truy vết các trường hợp có tiếp xúc gần với ca bệnh.
Đến chiều 8/7, cơ quan chức năng xác định có 15 trường hợp F1, tập trung ở các xã: Hợp Thịnh, Mai Trung, Danh Thắng và Thường Thắng.
BSCKI Vũ Văn Hoàn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), cho biết, 15 trường hợp trên đang được cách ly tại phòng trọ. Thông tin kết quả xét nghiệm bước đầu, các trường hợp này đều âm tính.
Các nhân viên y tế tiến hành điều trị dự phòng bằng kháng sinh cho những người tiếp xúc gần với B. trong vòng 7 ngày; theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc gần lần cuối với ca bệnh xác định.
Cùng đó, lực lượng chức năng xử lý môi trường, khử trùng bằng Chloramin B với nồng độ 0,1% Clo hoạt tính tại phòng trọ, quán karaoke và các khu vực xung quanh.
Hiện sức khỏe của các F1 ổn định, không có biểu hiện bất thường. Lực lượng chức năng đã lấy mẫu lần 2 đối với S. và lần một đối với các trường hợp F1 khác, gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm.
Theo nhận định của lãnh đạo CDC Bắc Giang, ca bệnh bạch hầu đầu tiên của Bắc Giang là ca xâm nhập từ nơi khác về. Khả năng dịch bùng phát trên diện rộng là không cao.
Lịch trình ca bệnh không quá phức tạp. Số người tiếp xúc gần và có nguy cơ nhiễm bệnh cao được điều tra bước đầu có 8 người. Hiện nay những trường hợp này đều đã được lấy mẫu xét nghiệm, uống thuốc dự phòng và cách ly nghiêm ngặt.
Theo CDC Bắc Giang, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B, lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh và người lành mang vi khuẩn. Bệnh có tỷ lệ lây lan nhanh, đặc biệt nếu người tiếp xúc ca bệnh chưa được tiêm phòng thì tỷ lệ lây lan có thể lên đến 100%.
Để phòng ngừa, những năm qua, CDC Bắc Giang và TTYT các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, triển khai hiệu quả hoạt động tiêm chủng mở rộng. Hiện tỷ lệ trẻ dưới 12 tháng tuổi được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu trên địa bàn luôn đạt hơn 96%.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), để phòng, chống bệnh bạch hầu, người dân cần cho trẻ tiêm đủ các mũi vaccine phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu. Trong đó mũi một tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi; mũi 2 và 3 tiêm sau mũi một lần lượt một và 2 tháng; mũi 4 tiêm khi trẻ 18 tháng.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Với người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Theo dantri.com.vn