Cần tầm soát sớm khi có người thân mắc ung thư đại tràng

Thứ 5, 08.08.2024 | 14:49:44
417 lượt xem

Tiền sử gia đình có 3 thế hệ gồm ông ngoại, dì ruột và anh trai ruột mắc K đại tràng, bệnh nhân L.V.M (nam, 54 tuổi) đã đi kiểm tra sức khỏe định kỳ và phát hiện mình cũng có yếu tố tiền ung thư.

Nội soi tiêu hóa với công nghệ nội soi ánh sáng dải tần hẹp NBI hiện đại có thể phát hiện những tổn thương chỉ vài milimet.

Ung thư đại tràng là một trong những bệnh ung thư phổ biến trên thế giới, do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó có yếu tố di truyền. Bệnh viện Đa khoa Medlatec vừa tiếp nhận ca bệnh đến khám do 3 đời của gia đình đều có người mắc ung thư đại tràng, đi khám hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng bệnh nhân lại bất ngờ phát hiện yếu tố tiền ung thư này.

Bệnh nhân L.V.M (nam, 54 tuổi) đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec kiểm tra sức khỏe định kỳ. Thời điểm này, bệnh nhân không có dấu hiệu bất thường nào như không đau tức ngực, không khó thở, không sốt, không đau bụng, ăn uống và đại tiểu tiện bình thường.

Bệnh nhân cho biết, tiền sử gia đình có anh trai ruột, ông ngoại và dì ruột bị K đại tràng. Còn bản thân bệnh nhân, cách đây 1 năm đi khám phát hiện có polyp đại tràng và thực hiện sinh thiết từ mẫu bệnh phẩm là polyp cắt ra, kết quả loạn sản độ cao.

Lần khám định kỳ này, bệnh nhân tiếp tục được bác sĩ chỉ định nội soi đại tràng và phát hiện nhiều polyp đại tràng lớn nhất kích thước 1,5cm, cấu trúc biến đổi dưới nội soi NBI (NICE 2). Trước bất thường đó, ngay trong quá trình nội soi, bệnh nhân được bác sĩ cắt polyp bằng phương pháp EMR, kết quả sinh thiết loạn sản độ cao, được làm tầm soát gene mắc ung thư.

Trong quá trình thăm khám, Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Lưu Tuấn Thành - Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec gặp không ít trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn do chủ quan, hoặc đi khám khi xuất hiện triệu chứng. Đáng tiếc trong số đó có không ít bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, thậm chí khối u đã di căn.

Trường hợp của bệnh nhân M., mặc dù cơ thể không xuất hiện dấu hiệu bất thường nào, nhưng có yếu tố nguy cơ cao nên bệnh nhân tuân thủ lịch kiểm tra sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Với sự chủ động tầm soát sức khỏe này, bệnh nhân may mắn phát hiện mình bị loạn sản cao (tổn thương tiền ung thư), vì nếu không được phát hiện kịp thời sẽ có nguy cơ tiến triển thành ung thư đại tràng.

Bác sĩ Lưu Tuấn Thành khuyến cáo, các dấu hiệu của bệnh lý đường tiêu hóa nói chung, ung thư đường tiêu hóa nói riêng thường diễn biến âm thầm, các dấu hiệu mơ hồ, khó chẩn đoán ngay cả khi bệnh lý/ khối u đã xuất hiện và phát triển trong thời gian dài.

Để phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa, chuyên gia khuyên người dân nên duy trì thói quen đi khám sức khỏe định kỳ, nhất là những người có yếu tố nguy cơ cao nên tầm soát 1-2 năm/lần gồm: Có người thân trong gia đình (ông bà, bố mẹ, anh chị) mắc các bệnh tiêu hóa: Ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng; có polyp, bị viêm loét dạ dày/đại tràng, có vi khuẩn HP...; có chế độ sinh hoạt, ăn uống thiếu lành mạnh: Thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn nhiều đồ chiên rán, thức ăn cay nóng…

Người dân cần lưu ý đi khám nếu xuất hiện đau bụng, giảm cân không rõ nguyên nhân, phân có máu...

Thông thường đi kiểm tra sức khỏe định kỳ/ tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa, người dân được chỉ định làm một trong các thăm dò và xét nghiệm sau: nội soi tiêu hóa; xét nghiệm dấu ấn ung thư: Xét nghiệm CEA, CA 72-4, CA 19-9; xét nghiệm mô bệnh học: Là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán xác định ung thư đường tiêu hóa và là cơ sở để đưa ra phác đồ điều trị cho người bệnh. Xét nghiệm này được thực hiện khi quá trình nội soi phát hiện bất thường và lấy mẫu thực hiện; chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang, siêu âm, CT, MRI… để đánh giá mức độ xâm lấn của bệnh, giai đoạn bệnh (nếu có chỉ định).


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/can-tam-soat-som-khi-co-nguoi-than-mac-ung-thu-dai-trang-post823313.html

  • Từ khóa