Lẩu bò tươi đang là một món ăn gây sốt trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, cách nhúng thịt phổ biến lại khiến ký sinh trùng có cơ hội thâm nhập vào người.
Mùa lạnh là thời điểm lý tưởng để cả gia đình quây quần bên nồi lẩu nghi ngút khói. Lẩu bò tươi đang là một món ăn gây sốt trong thời gian vừa qua, với thành phần chính là các loại thịt bò sống để nhúng lẩu.
Tuy nhiên, theo BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thói quen nhúng thịt bò tái trong lẩu - một cách ăn được ưa chuộng để giữ độ tươi ngon của thịt - lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
Nguy cơ nhiễm sán và ký sinh trùng
Nhúng thịt bò còn tái đỏ là sở thích của nhiều người (Ảnh: Getty).
BS Thiệu cho biết, thịt bò sống, đặc biệt nếu không được kiểm định hoặc bảo quản đúng cách, có thể chứa ấu trùng sán dây và nhiều loại ký sinh trùng khác.
Cụ thể, ấu trùng sán dây bò có thể tồn tại trong cơ, thịt và khi xâm nhập vào cơ thể người, chúng phát triển thành sán trưởng thành trong ruột, gây ra các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn và suy dinh dưỡng.
"Ngoài sán dây, thịt bò sống cũng có thể chứa các loại vi khuẩn như E. coli, Salmonella gây nhiễm khuẩn", BS Thiệu thông tin.
Khi nhúng thịt bò tái trong lẩu, nếu nhiệt độ của nước lẩu không đủ cao hoặc thời gian nhúng không đủ lâu sẽ không tiêu diệt hoàn toàn ký sinh trùng.
BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Minh Nhật).
"Một quan niệm sai lầm phổ biến là nước lẩu đang sôi có thể diệt sạch mọi vi khuẩn và ký sinh trùng. Trên thực tế, nhiệt độ và thời gian là hai yếu tố quyết định việc tiêu diệt mầm bệnh.
Nếu thịt bò chỉ được nhúng nhanh trong vài giây, nhiệt độ chưa kịp truyền vào bên trong miếng thịt để tiêu diệt hoàn toàn ký sinh trùng", BS Thiệu cho hay.
Những món ăn phổ biến như phở bò tái, bò bít tết tái, nem chua chưa đủ độ chua cũng có nguy cơ tương tự.
Không chỉ nhiễm từ thịt bò tái, trứng sán còn lây lan qua con đường phân - miệng. Nếu phân bò chứa trứng sán nhiễm vào nguồn nước hoặc rau sống, việc sử dụng chúng mà không nấu chín kỹ cũng dễ dàng đưa ký sinh trùng vào cơ thể người.
Tác hại lâu dài đối với sức khỏe
Nhiễm sán và ký sinh trùng không chỉ gây khó chịu tức thời mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời:
- Suy dinh dưỡng: Sán trong ruột tiêu thụ dinh dưỡng từ thức ăn, dẫn đến thiếu chất nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ em và người lớn tuổi.
- Tổn thương cơ quan nội tạng: Một số loại ký sinh trùng di chuyển từ ruột lên các cơ quan khác như gan, não hoặc mắt, gây tổn thương nghiêm trọng và thậm chí tử vong trong trường hợp nghiêm trọng.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng: Việc nhiễm ký sinh trùng còn khiến hệ miễn dịch suy yếu, dễ mắc các bệnh khác.
Biện pháp phòng ngừa
Để bảo vệ sức khỏe mà vẫn có thể tận hưởng món lẩu yêu thích, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Chọn thực phẩm an toàn: Mua thịt bò từ các nguồn uy tín, được kiểm dịch rõ ràng.
- Nhúng chín thịt: Nhúng thịt bò đủ lâu trong nước lẩu sôi để đảm bảo nhiệt độ bên trong đạt ngưỡng an toàn.
- Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm: Sử dụng dụng cụ riêng biệt để xử lý thực phẩm sống và chín, tránh lây nhiễm chéo.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Nếu có triệu chứng nghi ngờ nhiễm sán hoặc ký sinh trùng, cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị.
"Lẩu bò là món ăn ngon và giàu dinh dưỡng, đặc biệt trong tiết trời lạnh giá. Tuy nhiên, để món ăn này thực sự tốt cho sức khỏe, bạn cần thay đổi thói quen ăn uống và tuân thủ các nguyên tắc an toàn thực phẩm", BS Thiệu nhấn mạnh.
Theo dantri.com.vn