Những đối tượng nào cần lưu ý khi mắc cúm?

Chủ nhật, 09.02.2025 | 00:00:00
673 lượt xem

Những ngày gần đây, nhiều bệnh viện tại Hà Nội ghi nhận các ca nhập viện do cúm A gia tăng, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch. Đáng chú ý, nhiều người bị cúm A nhập viện trong tình trạng nặng và rất nặng, phải thở máy.

Số người nhập viện do cúm tăng mạnh

Bệnh viện Medlatec vừa ghi nhận 3 bệnh nhi trong cùng một gia đình đến khám với các triệu chứng sốt cao, dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng, ho khan nhiều, đau tức ngực trái, nhiều dịch mũi.

Xét nghiệm test nhanh cúm cho kết quả cả 3 đều dương tính với cúm A. Trong đó, 2 bé gái có tình trạng nặng hơn, được chỉ định nhập viện do biến chứng viêm phổi.

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc cúm tới khám. Chị P. X (Ba Đình, Hà Nội) đưa con 7 tuổi tới khám cho biết: “Cháu sốt cao, ho khan, đau đầu, mệt mỏi mấy hôm nay, ở nhà cho uống hạ sốt, bù nước, không thấy đỡ, nên cho đi khám”. Trẻ mắc cúm A, B có dấu hiệu biến chứng viêm phổi được chỉ định nhập viện, còn trẻ nhẹ hơn, bác sĩ cho về theo dõi tại nhà.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, nhiều bệnh nhân nhập viện do cúm A. Đưa mẹ đi khám tại đây, anh N.T.D (Hà Nội) cho biết, mẹ anh có bệnh nền huyết áp, tiểu đường, khi bị ho, sốt, gia đình mua thuốc tự điều trị tại nhà. Bệnh tình không đỡ và tình trạng khó thở tăng dần, gia đình đưa đến cơ sở y tế thăm khám, được phát hiện mắc cúm A. Do bệnh nặng, nên mẹ anh được chuyển tuyến lên Bệnh viện Hữu nghị để tiếp tục điều trị cúm A, nấm phổi và vi khuẩn đa kháng. 

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc cúm mùa, trong đó có nhiều trường hợp nặng và phải thở máy.

Những đối tượng nào cần lưu ý khi mắc cúm?
Bệnh nhân có bệnh nền mắc cúm A nguy kịch do tổn thương phổi, suy hô hấp. Ảnh: BV 

Theo PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), trong những ngày thời tiết liên tục trở lạnh, mưa, gió mùa, bệnh cúm có chiều hướng gia tăng. Bệnh cúm mùa đã có từ rất lâu ở hầu hết các nơi trên thế giới, thường gây ra bởi virus cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp.

"Thời gian gần đây, chúng tôi tiếp nhận nhiều bệnh nhân cúm mùa nhập viện với các biến chứng nặng, hay xảy ra trên các bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền, như: Tim mạch, hô hấp, nội tiết, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch... Ở trên người khỏe mạnh có hệ miễn dịch tốt, thì các biểu hiện cúm thường nhẹ, như sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ho, đau người, sốt và nếu được nghỉ ngơi, giữ ấm, ăn uống đầy đủ và uống thuốc cảm cúm thông thường, thì thường tự khỏi và không phải nhập viện.

Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch yếu, mang bệnh nền, bệnh mạn tính hoặc người cao tuổi, thì virus sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng như viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng, có thể phải thở máy, lọc máu, nguy cơ tử vong cao.

Theo PGS, TS Đỗ Duy Cường, những người có bệnh nền, người có hệ miễn dịch yếu, trẻ em và phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, cần đặc biệt chú ý đề phòng mắc cúm vì nguy cơ gặp nhiều biến chứng.

Tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ mắc cúm

Theo Bộ Y tế, hiện nay đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông xuân, với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển, dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi, sốt phát ban...

Bộ Y tế dẫn thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay, bệnh sởi vẫn có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới; cùng với đó, tỷ lệ mắc các hội chứng cúm, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính cũng gia tăng từ cuối năm 2024, nhất là tại các quốc gia trong khu vực Bắc bán cầu.

Trong nước, mặc dù số trường hợp mắc cúm có gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán năm 2025, tuy nhiên không có sự gia tăng đột biến so với số mắc được ghi nhận cùng kỳ hằng năm trước đây, với các tác nhân chủ yếu là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Bệnh sởi hiện có xu hướng giảm so với tháng 12-2024, nhưng vẫn gia tăng cục bộ tại một số địa phương. 

Trước tình hình gia tăng các ca mắc bệnh cúm, sởi và bệnh lây truyền qua đường hô hấp trong nước và trên thế giới, Bộ Y tế có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị chính quyền các cấp, các tổ chức và người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo đẩy mạnh công tác tiêm chủng; trong đó rà soát và tổ chức tiêm bù, tiêm vét vắc xin sởi cho các đối tượng chưa tiêm hoặc chưa đủ mũi.

Bên cạnh đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để tăng cường miễn dịch cộng đồng, cần khuyến khích người dân chủ động tiêm vắc xin phòng cúm và tiêm vắc xin có thành phần sởi, rubella cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh; theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là cúm, sởi và các bệnh đường hô hấp cấp tính. Cùng với đó, giám sát nghiêm ngặt các trường hợp nghi ngờ tại bệnh viện, trường học, khu công nghiệp và cộng đồng, cùng với chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp gia tăng ca bệnh.

Bộ Y tế đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan và người dân cùng chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, hạn chế tối đa các ca bệnh nặng và tử vong.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/y-te/cac-van-de/nhung-doi-tuong-nao-can-luu-y-khi-mac-cum-814838

  • Từ khóa