Vợ chồng Craddock mong đợi chuyến du lịch Việt Nam từ 3 năm trước, nhưng chưa kịp ngắm ruộng bậc thang ở Tây Bắc thì bị nCoV quật ngã.
Không khí tại khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chiều 14/4 sinh động hơn thường ngày. Bà Mary Craddock, 70 tuổi, đang trò chuyện cùng một vài y bác sĩ, câu chuyện xen lẫn những tiếng cười vui vẻ.
"Tôi đang rất phấn khích, anh ấy khỏe lại rồi", bà reo lên. Bà cứ đi vào trong khu vực điều trị một chốc lát, rồi lại chạy ra hành lang, dáng điệu tất bật, đôi mắt long lanh. Chỉ một lát nữa thôi, bà sẽ được đón chồng, ông Graham Craddock, 69 tuổi, về chung phòng. Nhiều ngày rồi ông phải nằm phòng hồi sức tích cực do sức khỏe nguy kịch.
"Háo hức lắm. Phòng cho anh ấy đã chuẩn bị xong, có người còn đưa gối cho tôi nữa. Chỉ thiếu một bó hoa thôi", bà nheo mắt mỉm cười qua khẩu trang.
Bà Craddock và nhân viên y tế đón ông Grahm từ khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chiều 14/4. Ảnh: Chi Lê.
Vợ chồng Craddock quốc tịch Anh, kết hôn 47 năm. Về già, họ lên kế hoạch cho những chuyến du lịch để tận hưởng thời gian còn lại bên nhau. Năm 2018, ông bà quyết định đến Việt Nam chơi. Họ dự định đến Việt Nam tháng 1/2019 nhưng bất ngờ mẹ của bà Mary qua đời, chuyến du lịch bị hủy bỏ.
Hơn một năm sau, ông bà tiếp tục kế hoạch du lịch. "Chúng tôi đến Việt Nam mà không lo lắng gì cả. Ở đây chỉ có 16 người nhiễm bệnh và họ đã được chữa khỏi rồi. Vì sao chúng tôi phải sợ hãi chứ?", bà nói. Vì vậy họ mua vé, đi chuyến bay VN54 từ London đến Hà Nội ngày 2/3, có mặt ở Sapa ngày mùng 5, chiều mùng 7/3 được đưa vào bệnh viện.
Nhẩm tính thời gian, bà cho biết hai vợ chồng đã ở Việt Nam khoảng 6 tuần nhưng chủ yếu trong bệnh viện để chữa bệnh. "Tôi khá buồn vì muốn xem các ruộng bậc thang, những ngọn núi hùng vĩ và cảnh mặt trời mọc ở miền Tây Bắc Việt Nam".
"Dịch bệnh đã phá hỏng kỳ nghỉ của chúng tôi", bà nói. Khi ở Lào Cai, họ được phát hiện dương tính với nCoV, trở thành bệnh nhân 26 và 27, nhập viện tại Lào Cai. Sau đó bệnh tình ông Graham nặng dần, phải chuyển về Hà Nội để điều trị, được đưa vào khoa Hồi sức Tích cực ngay khi tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và gắn máy thở. Mary đi theo chồng, điều trị tại khu cách ly cho bệnh nhân nhẹ.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, khoa Hồi sức Tích cực, cho biết ông Craddock có nhiều bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, từng bị tai biến mạch máu não rồi liệt nửa người, vì vậy diễn biến bệnh của ông rất nặng khi mắc Covid-19. Nhóm bác sĩ điều trị không chỉ cho ông thở máy mà phải dùng biện pháp lọc máu cấp cứu và nhiều kỹ thuật khác để chữa trị, cứu ông thoát khỏi cửa tử.
Bà Mary Craddock rơm rớm nước mắt khi chia sẻ về quãng thời gian chờ đợi điều trị cho chồng. Ảnh: Chi Lê.
Mary cho biết bà đã sợ rằng ông phải gắn với máy thở lâu hơn, vì ban đầu "trông anh ấy rất hỗn loạn, không nhận ra ai, không nhớ được gì", bà kể.
"Từ tầng 7 tôi thường gọi điện cho các bác sĩ điều trị anh ấy, nói chuyện với họ bằng cả trái tim. Tôi chỉ biết họ đang nỗ lực để cứu sống chồng tôi". Nói đến đây, giọng bà nghèn nghẹn, mắt đỏ hoe. "Chúng tôi đã rất may mắn, rất rất may mắn!".
Ra viện ngày 14/4, ông Craddock có thể đi lại một đoạn ngắn và nói chuyện vui vẻ với mọi người. Ông là một trong ba bệnh nhân nặng từng phải thở máy được chữa khỏi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
"Tôi rất cảm động khi thấy mọi người nỗ lực cả ngày và đêm để cứu mạng chúng tôi. Tôi chỉ thấy những bác sĩ ở tuyến đầu, họ thường xuyên thức trắng đêm. Phía sau chắc phải có tới hàng trăm người cũng nỗ lực không kém. Thật là phi thường", ông nói khi được vợ đẩy xe lăn đưa ra khỏi khu điều trị tích cực.
"Đây là kỳ nghỉ để đời. Chúng tôi đã sống sót, cảm ơn mọi người", ông nói
"Chuyến du lịch phi thường tới Việt Nam đã kết thúc có hậu", người vợ tiếp lời.
Ông Craddock khi xuất viện. Ảnh: Chi Lê
Chi Lê/vnexpress.net
https://vnexpress.net/chuyen-du-lich-phi-thuong-den-viet-nam-ket-thuc-co-hau-4084697.html