Hệ lụy của việc rút bảo hiểm xã hội một lần rất lớn, không chỉ đối với người lao động mà còn ảnh hưởng chính sách an sinh xã hội.
Do ảnh hưởng của dịch Covid 19, thời gian qua, đã có nhiều người đăng ký xin rút bảo hiểm xã hội một lần. Đa số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết khó khăn trước mắt do mất việc.
Theo ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ lao động Thương binh và Xã hội: Gần đây, tại một số địa phương, nhất là tại một số tỉnh Bắc Trung bộ xảy ra việc người dân rút bảo hiểm xã hội một lần. Việc này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận trong người dân, hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần; đồng thời kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm việc cầm cố mua gom sổ bảo hiểm xã hội để hưởng chênh lệch.
Nhiều người lĩnh BHXH một lần hoặc mang sổ đi cầm cố để chi tiêu trước mắt. |
Bộ trưởng đề nghị các địa phương cùng với Bộ tăng cường kiểm soát, không để tình trạng lợi dụng tình hình, những khó khăn để gia tăng việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Thứ 2 là kiểm soát chặt chẽ tình hình và xử lý nghiêm việc cầm cố mua gom bảo hiểm xã hội để hưởng chênh lệch.
"Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ sẽ nghiên cứu, cùng Bảo hiểm xã hội sẽ chuyển nhanh sang bảo hiểm điện tử để hạn chế tối đa tình trạng này" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khoảng 5 năm gần đây, trong cả nước đã có khoảng 2,5 triệu người lao động lĩnh bảo hiểm xã hội một lần. Hiện, bình quân mỗi năm có khoảng 700.000 lượt người hưởng chế độ này. Đáng lo ngại, trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19 khiến kinh tế khó khăn, nhiều lao động không có việc làm nên một bộ phận người lao động đã lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần./.
Hà Nam/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/linh-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-can-nhac-he-luy-lau-dai-1045552.vov