Tăng quyền tự chủ, tăng trách nhiệm

Chủ nhật, 10.05.2020 | 09:51:06
415 lượt xem

QĐND - Thời gian từ nay đến khi diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2020 không còn nhiều.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT và Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2020 (Quy chế TS 2020), tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học trong công tác tuyển sinh, nhất là giữ ổn định tâm lý cho học sinh và phụ huynh.

Đề thi bảo đảm độ phân hóa để xét tuyển đại học

Sau ít ngày công bố, đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 nhận được những phản hồi tích cực của học sinh, giáo viên và các nhà trường. Đề thi có nội dung trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12 và được điều chỉnh bám sát với nội dung tinh giản chương trình học kỳ II đã được Bộ GD&ĐT công bố. PGS, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết: “Độ khó của đề thi tuy có được điều chỉnh nhẹ hơn năm trước nhưng vẫn bảo đảm độ phân hóa tốt. Kết quả thi sẽ là cơ sở để các trường đại học sử dụng trong quá trình xét tuyển. Tới đây, nội dung đề thi chính thức sẽ bám sát với nội dung đề thi tham khảo vừa công bố. Vì vậy, các nhà trường, học sinh có thể yên tâm trong việc dạy học và ôn tập”.

Tăng quyền tự chủ, tăng trách nhiệm

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ động viên học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) trong ngày đầu trở lại trường sau thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19.

Trước đó, sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT lần đầu tiên, nhiều cơ sở giáo dục đại học lo lắng bởi đề thi tham khảo này tăng kiến thức cơ bản, mức độ phân hóa yếu, gây khó khăn trong công tác tuyển sinh, nhất là đối với các trường đại học tốp trên. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, khi đề thi tham khảo lần hai được công bố, nhiều trường đã yên tâm hơn khi sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Theo PGS, TS Hoàng Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: Đề thi tham khảo vừa bảo đảm nội dung học tập, vừa có độ phân hóa tốt, tạo điều kiện cho các trường xét tuyển đại học năm nay. GS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng đánh giá: Đề thi tham khảo vừa công bố thể hiện rõ độ phân hóa, đủ để đánh giá năng lực học sinh sau 12 năm học phổ thông, đồng thời là cơ sở tốt để các cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc xem xét vấn đề tuyển sinh của nhà trường.

Tự chủ gắn với chất lượng

Với tinh thần tạo thuận lợi nhất cho các cơ sở giáo dục đại học và thí sinh trong công tác tuyển sinh, Quy chế TS 2020 về cơ bản vẫn được giữ ổn định như năm trước. Tuy nhiên, quy chế TS năm nay có điều chỉnh một số điểm về kỹ thuật để khắc phục những bất cập của Quy chế TS 2019. Trong đó, đáng chú ý là quy định điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng. Cụ thể, quy chế quy định cơ sở đào tạo đại học muốn tổ chức thi riêng cần đáp ứng các điều kiện: Có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh; bảo đảm nhân lực đáp ứng các yêu cầu về năng lực quản lý và chuyên môn để tổ chức tốt kỳ thi riêng; có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đủ lớn để xây dựng đề thi; phải ban hành quy chế thi tuyển sinh của trường; có đề án tổ chức thi tuyển sinh; có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với quy mô, hình thức tổ chức thi.   

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, Luật Giáo dục đại học đã quy định cho các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ rất lớn trong việc quyết định phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, tự chủ gắn liền với trách nhiệm giải trình và nâng cao chất lượng. Việc Quy chế TS 2020 bổ sung các điều kiện quy định với những trường muốn tổ chức thi để tuyển sinh riêng là nhằm tăng cường công cụ quản lý nhà nước để bảo đảm các kỳ thi riêng diễn ra nghiêm túc, minh bạch, đúng quy định và bảo đảm chất lượng. 

Mùa tuyển sinh năm nay, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc giữ ổn định tâm lý cho học sinh và phụ huynh là yếu tố được các nhà trường đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, nhìn chung, nhiều trường vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh đại học năm nay như năm 2019, dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của thí sinh, như: Đại học Quốc gia Hà Nội đã quyết định không tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh riêng như thông báo trước đó để giảm áp lực cho thí sinh. Hiện nay, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vẫn giữ phương án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng. PGS, TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Dựa vào Quy chế TS 2020, nhà trường sẽ cân nhắc và đưa ra quyết định cuối cùng về thời điểm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực”.

Tăng quyền tự chủ, tăng trách nhiệm

Các thí sinh sau khi hoàn thành Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Tăng trách nhiệm xã hội, hướng tới người học

Công tác tuyển sinh năm nay sẽ được diễn ra nhiều đợt trong năm và có thể kéo dài đến ngày 28-2-2021. Để tránh đưa ra những tổ hợp lạ, gây xôn xao dư luận, năm nay, Bộ GD&ĐT quy định các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành. Khẳng định công tác tuyển sinh chỉ là một trong những khâu quan trọng trong quy trình đào tạo, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Chất lượng đầu vào có tốt thì các khâu sau đó của quá trình đào tạo mới thuận lợi, mới tạo được niềm tin xã hội cho các cơ sở đào tạo đại học nói riêng và ngành giáo dục nói chung. Vì vậy, để bảo đảm chất lượng đầu vào, ngay từ thời điểm này, ngoài việc giới thiệu thế mạnh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị các nhà trường cần phải chú trọng công tác tư vấn hướng nghiệp, dự báo nhu cầu việc làm để người học nắm bắt đầy đủ thông tin về yêu cầu cụ thể của từng ngành, nghề, thị trường việc làm trong tương lai.

Về phương án tuyển sinh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý các trường khi tuyển sinh dựa vào kết quả học bạ vì chất lượng điểm học bạ ở các trường và các vùng miền khác nhau. Chính vì thế cần phải có kỳ thi tốt nghiệp THPT để đánh giá chất lượng trên diện rộng sau 12 năm học của học sinh trên cả nước. “Trong bối cảnh như hiện nay, phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng cần giữ ổn định. Các cơ sở giáo dục đại học không chỉ nghĩ đến trách nhiệm chuyên môn mà còn phải nghĩ đến trách nhiệm chính trị-xã hội, tạo sự ổn định, niềm tin cho nhân dân”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/tang-quyen-tu-chu-tang-trach-nhiem-617464

  • Từ khóa