Bảo hiểm xe máy người dân mua khi “bắt buộc”?

Thứ 7, 30.05.2020 | 14:34:10
2,300 lượt xem

Mặc dù lợi ích của bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe máy, nhưng người dân chỉ đổ xô đi mua bởi không muốn bị CSGT xử phạt.

Dù đi làm bằng phương tiện xe máy nhưng chị Phạm Thúy Hà, Hà Nội không khi nào nghĩ đến việc mua bảo hiểm TNDS của xe máy. Gần đây, nghe thông tin từ ngày 15/5/2020 đến ngày 14/6/2020 có đợt tổng kiểm soát, các xe dù không có lỗi vẫn có thể bị dừng tất cả để kiểm tra giấy tờ, trong đó có Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, chị mới mua một cái bảo hiểm để phòng nhỡ khi cảnh sát giao thông kiểm tra.

bao hiem xe may nguoi dan mua khi
Nhiều người chỉ mua bảo hiểm xe máy vì sợ bị Cảnh sát giao thông xử phạt. (Ảnh minh họa)

Tiện có chị đồng nghiệp chào bán hộ người nhà làm bưu điện chị Hà đăng ký mua luôn. Cũng như nhiều người khác, chị Hà mua bảo hiểm mà không quan tâm xem mình có trách nhiệm và quyền lợi gì trong trường hợp không may có tai nạn xảy ra. Và người bán bảo hiểm cho chị cũng không tư vấn hay giải thích gì, bởi lẽ cả người bán và người mua đều ngầm hiểu chỉ cần có cái bảo hiểm để khi cảnh sát giao thông kiểm tra không bị phạt tiền là được.

Các địa điểm bán bảo hiểm xe máy mọc lên “nhan nhản” tại nhiều nơi và trên mạng xã hội người người đua nhau bán, mỗi người bán một giá. Điều đáng nói trong số đó có rất nhiều người không có chứng chỉ hành nghề và không hiểu biết nhiều về lĩnh vực này.

Việc tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS với chủ xe máy có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân, và số vụ tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển xe máy chiếm tới 70% tổng số vụ.

Tuy nhiên, theo báo cáo của  Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), dù Nghị định 103/2008/NĐ - CP đã triển khai được 10 năm nhưng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xe máy vẫn còn thấp, đạt khoảng 30% trong tổng số gần 60 triệu xe máy. Số liệu này cũng chưa thể hiện hết, bởi nhiều trường hợp tham gia giao thông bị tai nạn, chủ các phương tiện tự giải quyết, thỏa thuận với nhau.

Nguyên nhân khiến người dân không mặn mà với bảo hiểm xe máy bắt buộc bởi thủ tục, hồ sơ bồi thường bảo hiểm còn rườm rà, gây khó khăn cho người tham gia. Tại buổi trao đổi với các cơ quan báo chí về tình hình bảo hiểm xe máy, ông Phùng Ngọc Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - thẳng thắn nhìn nhận, một số quy định hiện hành về mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, hồ sơ bồi thường không còn phù hợp, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe, lái xe trong việc triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định hiện hành chưa theo kịp với biến động ngày càng tăng về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí sửa chữa, thay thế tài sản bị thiệt hại trong các vụ tai nạn do xe cơ giới gây ra.

Ngoài ra, phí bảo hiểm mặc dù đã được quy định trên cơ sở rủi ro liên quan đến phương tiện (loại xe, mục đích sử dụng xe) nhưng chưa căn cứ vào rủi ro liên quan chủ xe, lái xe (lịch sử tai nạn, vi phạm giao thông). Do đó, chưa phát huy tối đa vai trò công cụ kinh tế trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Để người dân tự nguyện tham gia

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, trong 10 năm qua chỉ có 101.000 vụ tai nạn xe máy được bồi thường bảo hiểm. Năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc là 765 tỷ đồng trong khi số tiền đã bồi thường là 45 tỷ đồng, tương đương 6% doanh thu. Nếu chia bình quân cho 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang bán bảo hiểm bắt buộc xe máy thì doanh thu từ mảng này của mỗi công ty bảo hiểm vào khoảng 26,3 tỷ đồng/năm.

Sau khi nhận được thông tin phản hồi từ dư luận về những tồn tại trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm xe máy, Cục đã có Công văn số 189/QLGSBH-PNT gửi các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) yêu cầu chấn chỉnh công tác triển khai bán bảo hiểm xe máy.

Ông Phùng Ngọc Khánh chia sẻ: “Chúng tôi cũng không loại trừ có những trường hợp nhờ người nhà, người quen mà không có chứng chỉ đại lý, không qua đào tạo bài bản, không có hợp đồng nhưng vẫn bán bảo hiểm xe máy. Đây là vấn đề cục đã yêu cầu DNBH chấn chỉnh và yêu cầu rà soát”. Bên cạnh đó, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ vấn đề này. Đại lý sai, người bán sai thì DNBH đều phải chịu trách nhiệm. Cục sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người tham gia bảo hiểm. Đây sẽ là việc làm thường xuyên, lâu dài, chứ không chỉ riêng trong đợt này, ông Khánh cho biết thêm.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 103/2008/NĐ-CP và sửa đổi Thông tư 22/2016/TT-BTC về bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới. Theo đó, sẽ quy định về hồ sơ bồi thường bảo hiểm theo hướng giảm gánh nặng thủ tục cho chủ xe, lái xe và tăng trách nhiệm, tính chủ động của DNBH, song vẫn đảm bảo phòng chống gian lận bảo hiểm. Về thời hạn bảo hiểm cũng sẽ điều chỉnh theo hướng linh hoạt, xe máy thì có thể nâng lên 3 năm.

Ông Phùng Ngọc Khánh khẳng định: “DNBH phải xác định rõ, bán bảo hiểm phải đi đôi với việc tuyên truyền, cần đa dạng về hình thức, tăng tần suất tuyên truyền hiệu quả hơn nữa. Chính sách có tốt đến mấy, nhưng quan trọng hơn là phải làm cho người dân nhận thức được ý nghĩa và quyền lợi. Tôi tin khi người dân hiểu rõ, thì mọi người sẽ chủ động và tích cực tham gia”./.


Theo VOV.VN

https://vov.vn/tin-24h/bao-hiem-xe-may-nguoi-dan-mua-khi-bat-buoc-1053814.vov

  • Từ khóa