Mường Tè đang vào vụ, lúa chín vàng trên ruộng trên nương. Sông Đà mùa này nước chảy lững lờ. Nhiều đoạn như cái hồ lớn, in bóng rừng quế, rừng thảo quả.
Hẹn mãi đến 4 năm sau, đầu tháng 5/2020 tôi mới có dịp vào Mường Tè (Lai Châu). Vẫn còn những cua tay áo, dốc ruột gà, những ta luy dương cao lở loét màu đất, những ta luy âm sâu thăm thẳm, nhưng đã khác xa, xa lắm cái thời xa xưa.
Nhớ về Mường Tè
Ngày 19/12/2016, khánh thành Nhà máy thủy điện Lai Châu. Tôi có ý tìm người dân Mường Tè ra dự lễ. Thủy điện Lai Châu xây dựng trên đoạn sông Đà qua xã Nậm Nhùn vốn thuộc huyện Mường Tè. Ngày ấy, từ Nậm Nhùn vào đến huyện Mường Tè còn hơn 100km nữa. Tỉnh lộ 127 chỉ mới nâng cấp tránh mực nước dâng đoạn từ Mường Lay vào đến công trường. Còn đoạn từ công trường vào đến huyện chưa làm xong. Băn khoăn không biết bà con có ra được không? Thật may, trong cả biển người, tìm được 4 người phụ nữ dân tộc Cống ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè. Hỏi thăm “bản Mường Tè, xã Mường Tè” nơi tôi từng đi thuyền đến và ngủ đêm trong bản, mọi người đều nói: “Bây giờ ngập nước rồi, bản đã dời lên cao rồi cán bộ ơi”.
Hẹn mãi đến 4 năm sau, đầu tháng 5/2020 tôi mới có dịp vào Mường Tè (Lai Châu). |
Lòng hẹn với lòng phải đến tận nơi. Vùng đất có thác Cảnh Mỏ “nơi sông Đà chảy vào đất Việt”. Vùng đất phên giậu biên cương với 255km đường biên giới với nước bạn Cộng hòa DCND Lào và với Trung Quốc.
Nơi ấy có bản Giẳng, trong những năm 1951-1952 thực dân Pháp đã giam cầm nhà cách mạng Nguyễn Hữu Thọ, sau này là Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đưa ông - một trí thức Tây học, đến vùng “ma thiêng nước độc” hòng khuất phục luật sư. Thực dân Pháp không ngờ bà con bản Giẳng, bản Mường Tè lại cưu mang đùm bọc, chăm sóc luật sư như người nhà, làm thành một chuyện cổ tích “lòng dân Mường Tè với cách mạng”.
Nơi ấy có những người xem tôi như người Mường Tè vì đã ba lần đến với Mường Tè. Lý Anh Po (người Hà Nhì) - Chủ tịch rồi Bí thư Huyện ủy Mường Tè với câu nói làm tôi nhớ mãi: “Người trồng rau muốn đuổi gà thì phải rào giậu. Khi bán rau, cũng không mấy ai hạch toán cái bờ rào. Đối với đất nước, Mường Tè như cái phên giậu. Làm sao có thể tính đến hiệu quả của cái phên giậu ấy?”.
Lòng vẫn nhớ về Mường Tè với đoạn đường men theo bờ trái sông Đà. Một bên là vách đá dựng đứng, một bên là sông Đà chảy xiết. Bên vách đá sát lòng sông, còn sừng sững những dòng chữ tạc vào núi đá của đức vua Lê Thái Tổ khi đi dẹp loạn cát cứ, tháng Chạp năm Tân Hợi (1431), vạch rõ cương vực nước Nam ở miền Tây Bắc xa xôi.
Nhớ về Mường Tè với hình ảnh những cô gái bản Mường Tè ngày ngày chèo thuyền độc mộc qua sông Đà đi làm nương, đi hái rau rừng, đi gom bông gạo về làm gối. Và những chiến sĩ biên phòng quân hàm xanh ngày đêm lặn lội bám bản bám dân, canh giữ đường biên, từng làm quân xâm lược phương Bắc xâm phạm bờ cõi nước Nam phải bỏ xác trên dòng sông này.
Nhớ về Mường Tè là nhớ về cánh đồng ven suối Nậm Cấu chạy ngang huyện lỵ với những chiếc cối giã gạo nước, trông xa như những đứa trẻ lội bì bõm. Và những đàn trâu chiều về ào xuống tối cả một khúc suối.
Nhớ về Mường Tè là nhớ đến cái khổ vì không có đường. Đoạn đường độc đạo từ Mường Lay vào nhiều tháng mùa mưa không đi lại được. Đất đai có, rừng núi không thiếu lâm sản mà Mường Tè vẫn nghèo. Thiếu muối, thiếu dầu, trẻ con thất học… đời sống ba tộc người La Hủ, Mảng, Si La quá khó khăn, đến mức năm 1993, Chính phủ phải lập một dự án phát triển kinh tế - xã hội - văn hoá riêng cho Mường Tè. Mường Tè từ đó bắt đầu cất cánh.
Mường Tè nay đã khác rồi
Trở lại Mường Tè lần này theo quốc lộ 4H từ ngã ba cầu Pa Tần qua dòng Nậm Na trên quốc lộ 12. Đường cấp 5 miền núi được trải nhựa êm thuận.
Đã xế chiều. Lê Thanh Tâm, Phó trưởng ban phụ trách Ban quản lý công trình - dự án xã hội huyện Mường Tè cười vui khi thấy tôi tả lại huyện lỵ Mường Tè xưa kia, với một con đường duy nhất chạy dài. Tâm cho biết đoạn đường ấy vẫn còn nhưng bây giờ thị trấn đã phình to, đường ngang đường dọc, nhà cửa san sát. Ban đêm đèn sáng hơn sao. Bãi rộng ven suối Nậm Cấu nay đã thành điểm định canh, định cư mới của huyện. Toàn thị trấn nằm trên cao trình 300m, theo đúng thiết kế ở vùng định canh, định cư lòng hồ thủy điện Lai Châu.
Tôi ngồi sau xe máy của Trần Mạnh Cường, một cán bộ trong ban, đến khu tái định cư thị trấn (khu 11). Chọn một nhà sàn ven đường, tạt vào. Chủ nhà Mào Thị Thả vui vẻ tiếp, cho biết cũng được cấp vài ba sào đất trồng hoa màu và sắn, nhà có chăn nuôi gia súc, cũng tạm đủ ăn. Chúng tôi ngẩn người khi được biết bà con ở đây gọi “1.000 mét vuông là một sào”. Chồng của chị Thả là anh Chim Văn Thương, giáo viên dạy học ở xã bên Pa Vệ Sử, sáng đi tối về.
Chưa thỏa mãn, chúng tôi tạt vào hộ dân thứ hai, nhà một tầng. Đó là nhà ông Lùng Văn Đom và vợ là Mào Thị Hương. Bà Hương nhanh miệng trả lời thay chồng: Nhà nghèo nên không làm nhà sàn được. Rút kinh nghiệm, chúng tôi hỏi kỹ khi nghe bà nói “không có đất đâu đấy” và được bà cho biết là nhà có 6 sào đất rừng để trồng quế: “Cũng chết nhiều lắm đấy. 10 cây còn được 6 - 7 cây. Vài năm nữa cho thu hoạch”. Thì ra “không có đất” là vậy.
Trần Mạnh Cường là người dưới xuôi, học Trung cấp mỏ - địa chất rồi lên Mường Tè, đã học xong Học viện Tài chính. Thấm thoắt cũng bén rễ ở vùng đất này 13 năm. Kém Lê Thanh Tâm 4 năm thâm niên Mường Tè. Cả hai đều lấy vợ tại địa phương.
Chúng tôi đến Mường Tè đúng vào dịp cả nước bỏ “giãn cách xã hội”. Mấy khách sạn nhà nghỉ ở thị trấn huyện tấp nập khách lui tới: Tốp là cán bộ kỹ thuật mấy dự án đang triển khai, tốp là dân xây dựng thuỷ điện, tốp là nhóm kỹ sư công nhân Tổng công ty truyền tải điện lên xây dựng trạm biến áp 220kV - 250MVA Mường Tè thu gom và đưa lên lưới điện quốc gia điện của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã và đang được xây dựng ở Mường Tè…
Ông chủ nhà nghỉ Hoàng Lâm vồn vã khoe với chúng tôi: “Mạng của nhà em rất khỏe. Các bác cứ vào phòng bật máy là có”. Quả vậy. Nhà nghỉ tiện nghi như khách sạn ở các đô thị dưới xuôi. Là dân nhà Đài, chúng tôi còn được nghe những giai điệu quen thuộc của các chương trình trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam qua hệ thống loa truyền thanh đặt ở các khu dân cư trong thị trấn Mường Tè.
Chủ tịch UBND huyện Mường Tè Mai Văn Thạch hồ hởi thống kê: Qua sông Đà có cầu treo Kẻnh (Cảnh) Mỏ; cầu cứng Pác Ma; cầu cứng Nậm Khao. Vào đất Việt, sông Đà chảy qua giữa huyện, với các xã Ca Lăng (giáp Mù Cả); Mường Tè; Nậm Khao; Bun Tở; Can Hồ… Tiềm năng du lịch lòng hồ là rất lớn. Nắm chặt tay tôi, Lý Anh Po cười rất hiền: “Anh ơi, bây giờ từ Lai Châu vào, đi qua dãy Mí Mu là đến Mường Tè rồi. Xe máy đã đi đến từng thôn bản. Dân La Hủ ngày xưa anh em mình lo giải cứu, nay đã trở thành dân tộc đông nhất Mường Tè mới. Đảng cho dân “cái cần câu”, làm đường cho hàng hóa thông thoáng, để dân tự lo là chính”.
Mường Tè đang chuẩn bị Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ XX. Trong nỗi mừng vui về tình hình kinh tế - xã hội mấy năm qua đạt kết quả tốt, có quyết tâm vươn lên mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới với các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, đặc biệt là phát triển tiềm năng du lịch - dịch vụ mà vùng lòng hồ thuỷ điện mang tới.
Tôi cứ miên man những câu chữ ấy trong đầu khi dọc theo quốc lộ 4H lên xã Mường Tè. Thấy cầu bắc qua sông Đà vào xã Nậm Khao mà không vào được thăm bà con dân bản gặp 4 năm trước, lòng cũng băn khoăn. Đành tự hẹn rằng sẽ có một ngày đến thăm Nậm Khao, hy vọng đúng vào dịp Nậm Khao được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, như lời hứa với Lý Văn Hiếu (người Cống), Chủ tịch UBND xã Nậm Khao, hôm gặp nhau ở thị trấn huyện.
Mường Tè đang vào vụ gặt. Lúa chín vàng trên ruộng trên nương. Bà con mang máy tuốt lúa ra đồng, tuốt xong đóng bao dùng xe máy xe công nông chở về. Sông Đà mùa này nước chảy lững lờ. Nhiều đoạn như một cái hồ lớn, in bóng rừng quế, rừng cao su, rừng thảo quả… Qua đập thuỷ điện Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, chảy về vùng châu thổ miền xuôi mà nói với mọi người dọc hai bên sông rằng Mường Tè nay đã khác rồi, đã vui đã đẹp lên rồi… Hãy đến với Mường Tè - nơi sông Đà chảy vào đất Việt./.
Trương Cộng Hòa/VOV.VN