Hội thảo quốc tế “Thay đổi nhận thức, hành vi xã hội qua tiểu phẩm phát thanh” hứa hẹn sẽ giới thiệu cho những người làm nghề phát thanh một cách truyền đạt thông điệp mới, hấp dẫn thính giả.
Chung khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XIV-2020 sẽ diễn ra từ ngày 24/6-27/6 tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đây được xem là ngày hội lớn của những người làm báo phát thanh trong cả nước, một “sân chơi” mà qua đó những người làm phát thanh trong cả nước sẽ có cơ hội chia sẻ quan điểm, định hướng phát triển nhằm đổi mới hoạt động nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và hiện đại, với mục tiêu phục vụ công chúng ngày một tốt hơn.
Bên cạnh 6 thể loại mà các đơn vị làm phát thanh trong cả nước tham gia dự thi, trong khuôn khổ Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XIV còn diễn ra các hoạt động giao lưu, hội thảo nghiệp vụ chuyên sâu và trưng bày giới thiệu những kỹ thuật công nghệ tiên tiến nhất trong ngành phát thanh truyền hình.
Lãnh đạo và chuyên viên Ban Hợp tác quốc tế họp trực tuyến trao đổi nội dung, khớp kịch bản với các diễn giả nước ngoài để chuẩn bị Hội thảo sắp tới. |
Tiểu phẩm phát thanh: Thể loại không mới, nhưng với cách làm mới
Một trong những sự kiện được quan tâm tại kỳ Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm nay đó là Hội thảo quốc tế “Thay đổi nhận thức, hành vi xã hội qua tiểu phẩm phát thanh”. Tại hội thảo, các diễn giả nước ngoài và Việt Nam sẽ cùng phân tích các yếu tố tạo nên một tiểu phẩm phát thanh mang thông điệp xã hội hấp dẫn, hiệu quả, thu hút được sự quan tâm của công chúng, thông qua một số tác phẩm mẫu được thực hiện bởi các đồng nghiệp quốc tế cũng như từ các đài PT-TH địa phương của Việt Nam và một số đơn vị của Đài TNVN.
Bà Nguyễn Thúy Hoa, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế - Đài TNVN cho biết: Để chuẩn bị cho Hội thảo này, theo sự phân công của lãnh đạo Đài TNVN, ban đầu Ban Hợp tác quốc tế dự kiến mời các diễn giả, chuyên gia nước ngoài và các đồng nghiệp đến từ các Đài PT-TH trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương sang tham dự và chia sẻ kinh nghiệm tại Liên hoan Phát thanh. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên khách mời quốc tế không thể trực tiếp đến Việt Nam dự được. Do vậy, Ban Hợp tác quốc tế đã xây dựng kịch bản để các diễn giả nước ngoài tham gia trực tuyến mà vẫn đảm bảo yếu tố tương tác với đại biểu tham dự tại hội thảo.
Diễn giả quốc tế và đại biểu tham dự hội thảo sẽ cùng trao đổi về một thể loại phát thanh được coi là một công cụ hiệu quả nhằm thay đổi nhận thức, hành vi xã hội, đó là Tiểu phẩm phát thanh (Radio Drama). Các diễn giả quốc tế muốn chia sẻ với những người làm phát thanh Việt Nam về “Tiểu phẩm phát thanh nhằm thay đổi hành vi xã hội” (Radio Drama for social change). Mục tiêu Hội thảo hướng tới là muốn chia sẻ với các nhà báo, phóng viên trong nước về xu thế, cách làm mới của các đài phát thanh trên thế giới trong sản xuất tiểu phẩm phát thanh mang thông điệp xã hội; không chỉ phục vụ phát sóng phát thanh mà còn truyền tải trên các nền tảng khác như Internet, mạng xã hội…
Theo bà Nguyễn Thúy Hoa, thời gian qua, do tình hình Covid 19, việc cử phóng viên đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, tham gia hội nghị hội thảo cũng như tổ chức các lớp tập huấn quốc tế tại Việt Nam hầu như không thực hiện được, Ban Hợp tác Quốc tế cũng đã triển khai rất hiệu quả các hội thảo trực tuyến (Webinar) với sự chủ trì của Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á Thái Bình Dương (ABU) và Viện Phát triển Phát thanh Truyền hình châu Á-Thái Bình Dương (AIBD). Các hội thảo trực tuyến này được tổ chức với nhiều chủ đề thiết thực như: Cách viết tin, bài phát thanh, Sáng tạo nội dung trên nền tảng Instagram cho giới trẻ, An ninh và an toàn cho những người làm truyền thông, Truyền thông cho trẻ em trong thời kỳ Covid-19... Trên thực tế, với hình thức hội thảo trực tuyến này, phóng viên Việt Nam tham dự vẫn có thể đặt câu hỏi, trao đổi, tương tác hiệu quả với các diễn giả nước ngoài.
Nói về công việc “bếp núc” chuẩn bị cho Hội thảo “Thay đổi nhận thức, hành vi xã hội qua tiểu phẩm phát thanh”, bà Nguyễn Thu Hà, Phó Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế cho biết: Trước tình hình diễn giả và đại biểu quốc tế không thể đến Việt Nam do dịch Covid-19, lãnh đạo và chuyên viên Ban Hợp tác quốc tế đã lên phương án mới, trao đổi với các đồng nghiệp tại Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á Thái Bình Dương (ABU), cũng như các diễn giả quốc tế để xây dựng nội dung chi tiết cho hội thảo.
“Rất may mắn là chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của Ban Lãnh đạo ABU cũng như của diễn giả trong nước và quốc tế. Khi liên hệ với các Đài Phát thanh địa phương đề nghị đóng góp tham luận, các anh chị đồng nghiệp cũng rất nhiệt tình. Chúng tôi thường xuyên họp trực tuyến với các diễn giả để đảm bảo khớp kịch bản của hội thảo, kể cả về yếu tố kỹ thuật và nội dung”, bà Hà cho biết.
Bên cạnh đó, các tham luận trong nước cũng được chuyên viên Ban Hợp tác quốc tế dịch ra tiếng Anh gửi cho các diễn giả nước ngoài để họ hiểu rõ hơn về cách làm của Việt Nam, từ đó các diễn giả sẽ trình bày những nội dung thiết thực, hữu ích với những người làm phát thanh Việt Nam. Ngoài ra, Ban Hợp tác quốc tế cũng đã dịch ra tiếng Việt một số Tiểu phẩm phát thanh thay đổi hành vi xã hội của các đài Phát thanh- truyền hình quốc tế để những người dự hội thảo tham khảo.
“Chúng tôi hy vọng rằng, Hội thảo tại Liên hoan Phát thanh lần này sẽ mang lại hiệu quả cao, các đại biểu tham dự có thể chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp quốc tế và có thể áp dụng tại Đài của họ nhằm sản xuất được các tiểu phẩm phát thanh hay, hấp dẫn, truyền tải thông điệp hiệu quả, và đặc biệt là theo hình thức tiếp cận được công chúng trên đa nền tảng, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay”- bà Nguyễn Thu Hà cho biết thêm.
Bà Olya Booyar và ông Akim Mogaji là những diễn giả quốc tế nhiều kinh nghiệm sẽ tham gia trao đổi tại Hội thảo lần này. |
Những diễn giả quốc tế giàu kinh nghiệm sẽ tham gia hội thảo
Cho đến thời điểm này, Ban Hợp tác quốc tế đã mời được những diễn giả quốc tế được đánh giá là rất chất lượng: đó là ông Akim Mogaji và bà Olya Booyar, những chuyên gia uy tín trong lĩnh vực phát thanh.
Ông Akim Mogaji là nhà sản xuất và chuyên gia giàu kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các nhóm sản xuất tạo ra các sản phẩm truyền thông mang tính sáng tạo và phổ biến, được sử dụng trên nhiều nền tảng. Ông Akim Mogajiđã có nhiều năm công tác và tư vấn cho nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới như: BBC của Anh, NHK của Nhật Bản, Đài phát thanh Romania...
Bên cạnh đó, ông Akim Mogaji còn là giảng viên đào tạo sản xuất kịch phát thanh cho nhiều đài phát thanh trên thế giới, là giám đốc của nhiều dự án liên kết đào tạo, sản xuất tiểu phẩm đa nền tảng mang thông điệp thay đổi nhận thức và hành vi xã hội...
Bà Olya Booyar là Trưởng phòng Phát thanh của Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (ABU), người chịu trách nhiệm hoạch định chiến lược phát thanh và hỗ trợ hoạt động liên quan đến lĩnh vực phát thanh của hơn 270 thành viên ABU. Bà Olya cũng là đầu mối tổ chức nhiều cuộc hội thảo khu vực về Tiểu phẩm phát thanh thay đổi hành vi xã hội (Radio Drama for social change).
Trong khuôn khổ hội thảo quốc tế này, các đại biểu sẽ nghe các tham luận của những người làm chương trình từ Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM, Đài PT-TH An Giang, Đài PT-TH Bình Dương và Ban Văn học Nghệ thuật VOV6- Đài Tiếng nói Việt Nam. Các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ cùng phân tích, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất thể loại Kịch mang thông điệp nhằm thay đổi nhận thức, hành vi xã hội của các đài phát thanh trên thế giới: đánh giá hiệu quả sử dụng thể loại như một công cụ nhằm thay đổi nhận thức và hành vi xã hội; trao đổi về việc làm thế nào để tạo ra một tác phẩm kịch truyền thanh/tiểu phẩm phát thanh hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của thính giả, lan tỏa được tới đông đảo công chúng, các yếu tố về chủ đề, cách kể chuyện, hiệu ứng âm thanh, thời lượng…./.
Nguyễn Hùng/VOV.VN