Chiều 15-6, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV năm 2019.
Qua 14 năm tổ chức, đến nay, Giải ngày càng nhận được sự quan tâm và tham gia chủ động, tích cực, hào hứng của các cấp hội, các cơ quan báo chí, hội viên nhà báo, cộng tác viên, công chúng báo chí cả nước.
Hội đồng chung khảo giải năm nay đã chấm 140 tác phẩm thuộc 11 loại giải báo chí, được lựa chọn từ 1.602 tác phẩm đủ điều kiện tham gia vòng sơ khảo, trong đó có 103 tác phẩm báo chí xuất sắc gồm 9 giải A, 21 giải B, 41 giải C, 32 giải Khuyến khích.
Giải năm nay có hơn 110 đơn vị cấp hội và 230 cộng tác viên, tham dự 11 loại giải; trong đó có 52 đơn vị Liên chi hội và chi hội trực thuộc; 59/63 Hội nhà báo tỉnh, thành phố tham dự. Điều này cho thấy các cấp hội và hội viên trong cả nước đã ngày càng thực sự quan tâm đến Giải Báo chí Quốc gia.
Quang cảnh buổi họp báo. |
Các tác phẩm tham dự Giải đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2019 như: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết 04 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các nghị quyết, chính sách điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ trong năm 2019; hoạt động đối ngoại của Nhà nước Việt Nam trong năm 2019…
Mặt bằng chất lượng chung các tác phẩm dự Giải đồng đều hơn, nhất là sự vươn lên của các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Nhiều bài có tính phát hiện tốt, phản ánh những vấn đề nóng bỏng, được dư luận quan tâm.
Nhiều tác phẩm của các cơ quan báo chí địa phương trong các nhóm thể loại: Phóng sự, ký sự, phim tài liệu (báo hình) được Hội đồng sơ khảo đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục, nhất là chất lượng. Các tác phẩm báo in tham dự Giải chưa có nhiều sáng tạo, đột phá. Thể loại ký báo chí còn ít, thiếu vắng phóng sự viết về văn hóa, ảnh báo chí vẫn còn ít, chưa phản ánh đúng đời sống ảnh báo chí…
Nhìn chung, các tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo là những tác phẩm tiêu biểu về nội dung và hình thức, có tính định hướng dư luận xã hội, nhiều tác phẩm cho thấy hiệu ứng tác động xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, dư luận xã hội đánh giá cao về vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh, phê phán cũng như biểu dương, xây dựng của báo chí.
Lễ tổng kết và trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV năm 2019 sẽ được tổ chức vào tối 21-6, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Trong khuôn khổ buổi họp báo, Ban tổ chức đã giới thiệu về chương trình khai trương trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam vào ngày 19-6.
Xuất phát từ ý tưởng, tâm huyết giữ gìn, tôn vinh và phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp của các thế hệ người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã hoàn thiện Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, bao gồm 3 dự án thành phần: Dự án trưng bày bảo tàng; Dự án sưu tầm hiện vật và tài liệu; Dự án tuyển dụng và đào tạo nhân sự bảo tàng. Ngày 21-8-2014, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hiện vật máy quay phim trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. |
Từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua hơn 1.000 ngày để triển khai các dự án thành phần nói trên. Dự án sưu tầm tài liệu, hiện vật đã và đang tiếp tục triển khai, đã sưu tầm được hơn 20.000 hiện vật, tài liệu được bảo quản tại khi cơ sở của Bảo tàng. Trong đó, có hơn 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm, phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam. Các không gian trưng bày của Bảo tàng được bố trí trên diện tích gần 1.500m2.
Tại buổi họp báo đã diễn ra Lễ ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Bảo tàng Báo chí Việt Nam với hai cơ sở đào tạo báo chí là Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) và Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong việc đào tạo, trao đổi học thuật cũng như thực tiễn hoạt động nghiệp vụ báo chí, hỗ trợ lẫn nhau về giảng dạy, nghiên cứu, xây dựng và phát triển các chương trình hợp tác…
Tin, ảnh: HUYỀN CƯỜNG/qdnd