Từ khi thành lập đến nay, Viettel Đắc Lắc (Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội) luôn tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông (DVVT), công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn chiến lược của Tây Nguyên và nỗ lực tạo uy tín bằng chất lượng dịch vụ.
Hướng đến địa bàn khó khăn
Thời điểm hơn 15 năm trước, khi chưa có Viettel Đắc Lắc, Tây Nguyên thuộc diện "vùng trũng" về viễn thông và CNTT, các DVVT và CNTT thuộc mặt hàng xa xỉ, chỉ được cung cấp ở thành phố và trung tâm huyện lỵ. Trung tá Phạm Quảng Đà, Giám đốc Viettel Đắc Lắc, cho biết: “Với phương châm: Hướng đến đối tượng khách hàng bình dân, lấy vùng phủ sóng là nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ngay sau khi thành lập (tháng 10-2004), Viettel Đắc Lắc đẩy mạnh xây dựng các trạm BTS ở địa bàn gian khó, nơi mà người dân chưa được cung cấp dịch vụ di động. Kết quả, chỉ sau một năm đi vào hoạt động, Viettel Đắc Lắc đã phủ sóng di động đến 100% huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Đắc Lắc, tạo ra bước phát triển vượt bậc trong bảo đảm nhu cầu thông tin liên lạc cho người dân, đưa viễn thông và CNTT trở thành mặt hàng có giá “bình dân”.
Hơn 15 năm kể từ ngày thành lập, đến tháng 6-2020, Viettel Đắc Lắc đã xây dựng được 2.000 trạm BTS 2G, 3G và 4G, phủ sóng 100% diện tích toàn tỉnh; trong đó có hơn 900 trạm BTS 4G, phủ sóng đến 100% thôn, buôn, khu dân cư, địa bàn biên giới và các đồn biên phòng. Mạng cố định băng rộng đã triển khai được 200.000 cổng GPON (công nghệ cáp quang mới, tiên tiến nhất), bảo đảm cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng và siêu rộng đến tất cả các xã, phường, thôn, buôn vùng sâu, vùng xa. Hệ thống cáp quang phủ đến 100% xã, phường, với tổng số 6.000km, đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ cho cơ quan Nhà nước và nhu cầu của nhân dân; đồng thời sẵn sàng cho phương án xử lý tình huống trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Từ cơ sở hạ tầng nêu trên, đến nay, Viettel Đắc Lắc phát triển được gần 1,5 triệu thuê bao các loại; trong đó, dịch vụ 4G có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, đưa thị phần viễn thông của Viettel tại Đắc Lắc đạt gần 60%, cao hơn mức bình quân chung của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội. Viettel Đắc Lắc xây dựng hệ thống kênh phân phối, đại lý, cung cấp dịch vụ viễn thông với hơn 7.000 điểm, phủ rộng khắp toàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng DVVT và CNTT. Hiện nay, Viettel Đắc Lắc tạo việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương với mức lương bình quân từ 22 đến 25 triệu đồng/người/tháng; tổng doanh thu bình quân mỗi năm đạt hơn 1.000 tỷ đồng, nộp ngân sách địa phương 65 tỷ đồng. Trong hơn 15 năm qua, Viettel Đắc Lắc đóng góp hơn 10 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội và đền ơn đáp nghĩa; trong đó phải kể đến một số chương trình lớn như: Tặng 2.760 suất học bổng “Vì em hiếu học” giai đoạn 2014-2019 với tổng số tiền 2,76 tỷ đồng; tài trợ kinh phí cho Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột các năm 2017, 2019 hơn 5,2 tỷ đồng.
Nhân viên Viettel Đắc Lắc tư vấn dịch vụ 4G cho bà con dân tộc thiểu số xã Ea M' Doal, huyện M'Đrăk. |
Đẩy mạnh hợp tác, ứng dụng công nghệ thông tin
Với uy tín và năng lực của một doanh nghiệp quân đội, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội luôn được UBND tỉnh và một số sở, ban, ngành trên địa bàn Đắc Lắc tin tưởng hợp tác trên lĩnh vực cung cấp dịch vụ CNTT. Cụ thể, ngày 2-6-2017, UBND tỉnh Đắc Lắc và Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội đã ký thỏa thuận hợp tác về phát triển và ứng dụng CNTT giai đoạn 2017-2020. Hiện thực hóa thỏa thuận này, đến nay, Viettel Đắc Lắc đã triển khai được nhiều phần việc quan trọng như: Cung ứng, lắp đặt hệ thống camera an ninh cho các xã, phường của TP Buôn Ma Thuột và các địa điểm quan trọng trên địa bàn tỉnh; lắp đặt các điểm phát sóng wifi công cộng tại các đô thị và khu du lịch nổi tiếng; tài trợ miễn phí và duy trì ổn định dịch vụ đăng ký nhận tin nhắn, nhắc lịch tiêm chủng cho hơn 22.000 trẻ em tại 200 cơ sở tiêm chủng trên địa bàn. Trên lĩnh vực giáo dục, Viettel Đắc Lắc đang cung cấp internet miễn phí đến 917 trường học; cung cấp phần mềm quản lý cho 713 trường; triển khai dịch vụ sổ liên lạc điện tử cho 128 trường với 80.000 thuê bao; áp dụng giải pháp họp trực tuyến cho 14 điểm trường, kết nối với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắc Lắc; kết nối cổng thông tin điện tử cho 189 cơ sở giáo dục tại các huyện: Lắc, Krông Bông và Ea H’leo với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh. Từ tháng 2-2020, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Viettel Đắc Lắc đã tài trợ tài khoản Viettel Study (học tập miễn phí) cho 200 trường với hơn 200.000 học sinh và 20.000 giáo viên; kịp thời triển khai phần mềm họp trực tuyến trên internet cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh.
Đánh giá về năng lực, hiệu quả của Viettel Đắc Lắc, đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắc Lắc, khẳng định: “Với khả năng và năng lực của mình, Viettel đã và đang hỗ trợ, cùng tham gia phát triển và triển khai hiệu quả các hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp của tỉnh Đắc Lắc, nhất là trên các lĩnh vực: Hành chính công, y tế, giáo dục và đào tạo, giao thông, văn hóa, du lịch, công tác an toàn thông tin, xây dựng đô thị thông minh”.
Trong thời gian gần hai năm trở lại đây, Viettel Đắc Lắc đã phát triển nhanh ứng dụng thanh toán số (ViettelPay) với hơn 9.000 thuê bao giao dịch thường xuyên và nhận chi trả lương, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng, nhất là ở địa bàn biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Ngô Minh Tiến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ea Bung, xã biên giới Ea Bung, huyện Ea Súp, cho biết: “Hiện tại, 30 cán bộ, giáo viên nhà trường nhận lương qua ứng dụng ViettelPay, thấy rất hữu dụng vì có thể rút tiền mặt miễn phí tại các đại lý của Viettel ở trong xã mà không cần phải ra cây ATM ngoài trung tâm huyện như trước đây. Bên cạnh đó, những năm qua, cũng như nhiều trường học trong tỉnh, Trường Tiểu học Ea Bung còn được Viettel hỗ trợ một gói internet miễn phí, rất tiện lợi trong việc học tập, giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi thông tin của giáo viên và học sinh”.
Bằng uy tín, năng lực và chất lượng dịch vụ của mình, Viettel Đắc Lắc đã và đang vững bước trên con đường phát triển, khẳng định vị thế của doanh nghiệp quốc phòng trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH/qdnd
https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tao-uy-tin-thuong-hieu-bang-chat-luong-dich-vu-623275