Hy vọng rằng, những mong muốn của người dân Hà Nội về một con đường gốm sứ mới sẽ thành hiện thực.
Nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ, gia cố vững chắc đê điều, đảm bảo an toàn phòng chống lũ và tạo cảnh quan đô thị, TP Hà Nội đang tiến hành mở rộng đường Âu Cơ (đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân).
Để thực hiện dự án này, gần 600m “Con đường gốm sứ” đã bị phá bỏ, khiến người dân và khách du lịch không khỏi tiếc nuối. Đã từng chứng kiến những viên gốm đầu tiên được gắn vào bức tường, tạo nên con đường gốm sứ, ghi danh vào kỷ lục Guinness thế giới, bà Nguyễn Mai Khanh (trú tại quận Tây Hồ) kể lại: Từ khi có con đường gốm sứ, những màu xám xịt, nhếch nhác của bờ tường dọc đường đê sông Hồng dần biến mất, nhường chỗ cho những màu sắc, họa tiết, hình ảnh nghệ thuật.
Để thực hiện dự án này, 600 mét thuộc "con đường gốm sứ" nằm trên đoạn đường Âu Cơ đã phải phá dỡ toàn bộ. |
Thế nhưng, đoạn đường này nhỏ và hẹp, thường xuyên xảy ra ùn tắc và va chạm giao thông. Vì vậy, nếu chấp nhận “hy sinh” con đường đường gốm sứ để mở rộng đường, giao thông thuận lợi hơn, thì người dân sẵn sàng ủng hộ:
“Tôi nghĩ rằng đáp ứng được giao thông là ưu tiên hàng đầu, còn lại có thêm được con đường gốm sứ để nói rằng Hà Nội có làng nghề truyền thống làm gốm. Nếu được cả 2 thì rất là tốt. Nhưng nếu con đường đó không bảo quản tốt, để vỡ, mẻ, không được bảo trì, bẩn thỉu thì lại trở thành phản cảm”- bà Khanh chia sẻ.
Cùng chung ý kiến, ông Nguyễn Văn Hùng, người dân sống tại quận Tây Hồ cho biết “Trải qua hơn 10 năm, con đường gốm sứ đã có lúc như bị lãng quên, mặc nhiên để cho người dân đốt rác làm bong tróc cả mảng tường, phóng uế bừa bãi, gây mất vệ sinh công cộng. Đến nay, đoạn đường được mở rộng, con đường gốm sứ được phá bỏ, chắc chắn sẽ có công trình khác thay thế, khang trang, sạch đẹp hơn. Nhà nước và TP cho mở rộng thế này, người dân chúng tôi rất mừng vì đường rộng, giao thông đi an toàn. Đường kè bờ đê sạch sẽ, cao ráo, an toàn. Con đường gốm sứ bỏ đi tất nhiên ai cũng tiếc, thế nhưng chúng ta đành hy sinh, nay mai sẽ đẹp hơn, đường sá rộng rãi khang trang hơn”.
Hơn 600m con đường gốm sứ bị phá bỏ, hơn ai hết, tiếc nuối nhất là họa sỹ Nguyễn Thu Thủy, người đưa ra ý tưởng và trực tiếp thiết kế công trình con đường gốm sứ. Bà Thủy cảm thấy buồn, khi đứa con tinh thần của mình giờ đã không còn nguyên vẹn: “Tôi rất mong, sau khi phá dỡ, TP sẽ cấp kinh phí để làm lại những đoạn tranh mà nhà tài trợ và các nghệ sỹ đã dành nhiều công sức thực hiện”.
Hy vọng rằng sau khi dự án mở rộng đường hoàn thiện, TP Hà Nội sẽ tạo điều kiện, cho phép xây dựng lại tác phẩm con đường gốm sứ kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long. |
Trước đó, ông Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, trước khi phá dỡ con đường gốm sứ để phục vụ mở rộng đường, Ban quản lý dự án TP đã họp và lấy ý kiến các sở, ngành liên quan xem xét kỹ lưỡng trong quá trình thẩm định, phê duyệt phương án. Mặc dù nghiên cứu nhiều phương án nhưng vẫn phải phá một đoạn đê gốm sứ, đây là điều bất khả kháng: “Ban Quản lý dự án đã báo cáo và UBND TP đã có chủ trương sau khi hoàn thành xây dựng xong tường chắn bê tông sẽ tiếp tục có kế hoạch gắn tranh gốm sứ lên mặt tường bê tông đó và vẫn sẽ tiếp tục duy trì và phát triển con đường gốm sứ ngày càng đẹp hơn, xứng đáng là một biểu tượng và là nét đẹp văn hóa độc đáo của thủ đô Hà Nội”.
Hy vọng rằng, những mong muốn của người dân Hà Nội về một con đường gốm sứ mới sẽ thành hiện thực. Con đường gốm sứ sẽ có thể lập nhiều kỷ lục thế giới mới và là công trình biểu tượng của thủ đô. Đặc biệt, sau khi công trình kết thúc, người dân Hà Nội sẽ có một tuyến đường hiện đại, khang trang hơn, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông./.
Hải Bằng/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-se-tao-dien-mao-moi-cho-con-duong-gom-su-1061895.vov