“Nhà giáo mẫu mực” không chỉ mẫu mực trong mỗi bài giảng, cách ứng xử trong nhà trường, xã hội mà còn phải mẫu mực trong gia đình.
“Nhà giáo mẫu mực” không chỉ mẫu mực trong mỗi bài giảng, cách ứng xử trong nhà trường, xã hội mà còn phải mẫu mực trong gia đình. Trong hoạt động giảng dạy và giáo dục, bản thân nhà giáo và gia đình là tấm gương phản chiếu quá trình giáo dục. Phát huy truyền thống ấy, đội ngũ nhà giáo Thủ đô đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện để vừa giỏi việc trường vừa đảm việc nhà, đóng góp xây dựng nhà trường phát triển, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Ảnh minh họa. |
Nhà giáo Đặng Anh Hiếu – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi, quận Long Biên, một trong những gia đình vừa được Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tuyên dương gia đình tiêu biểu Thủ đô chia sẻ: "Bản thân tôi gia đình hạnh phúc đơn giản chỉ là khi hai vợ chồng cùng nhau cố gắng lao động, cống hiến hết mình trong sự nghiệp đã lựa chọn; đồng thời được cùng nhau chăm sóc những đứa con, dìu dắt chúng tập đi và được nhìn từng bước trên con đường đời mà các con đã lựa chọn. Cuộc sống không tránh khỏi có những thời khắc khó khăn, chúng ta phải ở bên nhau, sát cánh, động viên nhau vượt qua những khó khăn đó".
Theo nhà giáo Đặng Anh Hiếu, trong một gia đình, cha mẹ hiểu nhau và tôn trọng lẫn nhau, con cái sẽ học được cách ứng xử tốt. Từ đó, con trưởng thành sẽ thực hành hành vi tương tự với mọi người xung quanh. Trong gia đình, thói quen giao tiếp tích cực giữa cha mẹ và con là điều cần thiết. Bởi khi nói chuyện gần gũi sẽ tạo không khí tôn trọng giữa các thành viên trong gia đình, khuyến khích mọi người cởi mở bày tỏ lòng yêu thương với nhau nhiều hơn. Bên cạnh đó, thì một điều quan trọng nữa là các thành viên trong gia đình sẵn sàng cùng nhau chia sẻ công việc nhà.
Các thầy giáo, cô giáo không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dạy học của bản thân mà còn luôn luôn chăm sóc cho gia đình cùng người bạn đời của mình nuôi dạy con học giỏi và thành đạt.
Cô Nguyễn Khánh Phượng, giáo viên Trường THPT Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh cho rằng, việc nuôi dạy con trong thời điểm hiện nay cần có trách nhiệm của cả cha mẹ để con có nhận thức tốt hơn. Để gia đình bền vững, việc dạy con ngoan là điều quan trọng nhất. Quan điểm của cô là dạy con bằng cách lắng nghe, chia sẻ bằng lời nói để hướng con đến nhận thức. Vì vậy, gặp bất cứ trường hợp vướng mắc nào của con, cô Phượng đều phân tích và đưa ra các gợi ý để con tham khảo. Muốn nắm bắt tâm lý của con nên dù công việc bận rộn hàng ngày, nhưng mỗi buổi tối về cô đều tranh thủ thời gian nói chuyện, tâm sự với con.
"Tôi lúc nào cũng sát cánh cùng con. Khi trẻ lớn thì các con sẽ thưa dần việc tâm sự. Nhưng nếu mình cứ theo sát các con thì tất nhiên sẽ biết con vui buồn. Con sẽ bộc lộ ra là con đang có chuyện gì thì mình có thể chia sẻ. Con không muốn nghe theo kiểu như bài học thì mình phải đem một câu chuyện để kể cho con như thế các con sẽ dễ hiểu và nếu như không ứng dụng được ngay thì ít nhất trong cuộc sống nó cũng sẽ có giai đoạn đem ra để ứng dụng. Mình cứ làm hằng ngày thường xuyên tác động thì con sẽ nghe thôi", cô Phượng chia sẻ.
Nhiều nhà giáo tham gia công tác quản lý, cán bộ công đoàn, công việc vất vả nhưng vẫn sắp xếp thời gian chăm sóc, vun vén cho tổ ấm của gia đình như tấm gương nhà giáo Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình. Cô có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong công tác quản lý. Trong gia đình, cô luôn cảm thông chia sẻ, hỗ trợ cùng chồng chăm sóc mẹ già và nuôi dạy con. Hai con của cô Phương Lan nhiều năm liền đạt học sinh giỏi, đạt được nhiều giấy khen cấp quận, thành phố.
Chia sẻ về cách dạy con, nhà giáo Nguyễn Thị Phương Lan cho biết: "Nguyên tắc giáo dục con, khi con mắc lỗi mà bố định xử lý con thì để cho bố xử lý. Đúng sai thì mẹ cứ để yên đã. Mẹ không tham gia vào việc đó hoặc ngược lại con có lỗi mà mẹ xử lý, bố thấy có thể chưa chuẩn nhưng không được tham gia vào lúc đó. Cứ như vậy, chúng tôi dần rút kinh nghiệm. Đến thời điểm này, có thể nói, tôi rất tự hào, vì các cháu ngoan và học tốt. Cháu đang học lớp 5, 5 năm liền là học sinh xuất sắc và được nhiều huy chương vàng, bạc, đồng và tới ngày 30 tháng 6 này, cháu đi dự đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ. Còn cháu lớn thì học lớp 10 chuyên Sinh của trường Khoa học tự nhiên".
Hiện nay, trước áp lực của công việc quỹ thời gian của bố mẹ dành cho con cái ngày càng ít đi và sự quan tâm cũng không nhiều, khiến cho các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng thiếu sự gắn kết. Vì vậy, để có được một gia đình hạnh phúc, mỗi thành viên hãy biết cân bằng thời gian giữa công việc và gia đình, trân quý những phút giây ấm áp bên gia đình và trân trọng những nguyên tắc để xây dựng gia đình hạnh phúc, khỏe mạnh./.
Thu Hiền/VOV.VN