Với những quy định về biên chế, vị trí việc làm trong các trường học hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục không đủ giáo viên dạy các môn chuyên biệt.
Bắt đầu từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới chính thức được triển khai trên toàn quốc từ bậc tiểu học. Tại thành phố Hải Phòng, với những quy định về biên chế, vị trí việc làm trong các trường học hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục không đủ giáo viên dạy các môn chuyên biệt như: âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất... trong khi, đây là những môn bắt buộc trong chương trình GDPT mới.
Các trường Tiểu học lựa chọn những giáo viên trẻ, năng lực và nhiệt huyết, có khả năng tiếp cận công nghệ mới tham gia giảng dạy lớp 1. |
Vừa kết thúc chương trình năm học 2019 - 2020, các trường Tiểu học tại Hải Phòng ngay lập tức chuẩn bị cho chương trình Giáo dục phổ thông mới. Từ tháng 6 vừa qua, hơn 2000 giáo viên lớp 1 đã bắt đầu được tập huấn trực tuyến Modul 1 - Hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT mới. Bước sang tháng 7, hơn 3.200 cán bộ quản lý, khối trưởng chuyên môn và tất cả các giáo viên dạy lớp 1 tiếp tục tập huấn về sử dụng sách giáo khoa đã được chọn.
Cô giáo Phạm Thị Thục Trang, trường Tiểu học Dương Quan (huyện Thủy Nguyên) nhận xét: "Với chương trình tập huấn này, giáo viên phải nghiên cứu thực sự, phải học, phải nghe, phải xem thì khi làm các câu hỏi trắc nghiệm hay trả lời các bài kiểm tra thì mới đạt kết quả tốt, còn nếu không nghiên cứu thì sẽ không trả lời được. Chương trình tập huấn còn cung cấp lượng kiến thức cơ bản, nhất định, giúp giáo viên tự tin hơn khi bước sang năm học mới".
Các giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận Lê Chân, Hải Phòng) tham gia tập huấn trực tuyến Modul 1 - Hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT mới. |
Theo Sở GD-ĐT Hải Phòng, trong số 5 bộ sách được Bộ GD-ĐT phê duyệt, có 2 bộ được nhiều trường Tiểu học ở Hải Phòng lựa chọn là bộ "Cánh diều" và "Kết nối tri thức với cuộc sống". Tuy nhiên, hầu hết các trường đang gặp vướng mắc khi triển khai dạy và học các môn chuyên biệt, như: âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất... Đây là những môn học bắt buộc trong chương trình GDPT mới trong khi số lượng giáo viên dạy các môn này không đáp ứng đủ. Riêng với môn giáo dục thể chất, theo quy định hiện nay của Bộ GD&ĐT thì không có giáo viên chuyên ở bậc Tiểu học mà do giáo viên dạy văn hóa kiêm nhiệm.
Cô giáo Nguyễn Thị Hải Hạnh, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Ngô Quyền cho rằng, triển khai chương trình GDPT mới nhưng vẫn giữ những quy định cũ về vị trí việc làm thì sẽ rất vất vả cho giáo viên.
"Khi yêu cầu lên UBND quận thì do cơ chế từ trên chưa có nên không được định biên giáo viên thể dục giao cho các trường. Mong muốn, Bộ GD&ĐT sẽ có đồng bộ. Ví dụ Thông tư 16 quy định vị trí việc làm, nay với chương trình GDPT mới thì không còn phù hợp nữa. Bây giờ thực hiện chương trình mới nhưng nguồn nhân lực lại theo thông tư cũ, rất khó khăn", cô Hạnh nói.
Hơn 3.200 cán bộ quản lý, khối trưởng chuyên môn và tất cả các giáo viên dạy lớp 1 tại Hải Phòng được tập huấn về sử dụng sách giáo khoa trong bộ sách "Cánh diều". |
Sở GD-ĐT Hải Phòng đã ghi nhận ý kiến của các trường về sự cần thiết phải có đủ giáo viên chuyên biệt đáp ứng chương trình GDPT mới, báo cáo và đề xuất UBND thành phố bổ sung cho các trường. Bên cạnh đó, các trường cũng khắc phục bằng cách lựa chọn những giáo viên trẻ, năng lực và nhiệt huyết, có khả năng tiếp cận công nghệ mới tham gia giảng dạy lớp 1.
Thầy giáo Cao Văn Tân, trường Tiểu học Minh Tân, huyện Kiến Thụy cho biết: "Đến thời điểm này, bộ sách "Cánh Diều" đã đưa về đến trường nhưng số lượng ít, ảnh hưởng tới việc nghiên cứu, đi tập huấn. Các công nghệ thông tin như: SGK điện tử, đồ dùng điện tử minh họa chưa cấp phát về đến trường để các thầy cô tiếp cận dần và có thời gian làm quan, nghiên cứu thêm để thiết kế bài giảng, cùng đồng nghiệp cùng thực hành, rút ra ưu điểm và những điều cần khắc phục cho năm học mới".
Còn cô giáo Vũ Thị Hồng Thu, giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Ngô Quyền) cũng cho rằng giáo viên được phân công dạy lớp 1 cũng phải nỗ lực rất nhiều để tự học, tự trang bị cho mình kiến thức tổng hợp của nhiều bộ môn, đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy.
"Ưu điểm rất lớn của chương trình mới là tập trung vào phát triển các năng lực đặc thù và 5 phẩm chất của học sinh. Trước đây, thường quan tâm đến học sinh học được kiến thức gì. Ở chương trình này thì điều quan tâm nhất là học sinh làm được gì, đưa việc mình học vào thực tiễn cuộc sống như thế nào. Khi mục tiêu chương trình như vậy, chúng tôi phải thay đổi phương pháp, hình thức dạy học, sao cho lấy học sinh làm trung tâm, sao phát triển tốt nhất năng lực và phẩm chất của học sinh"- Cô giáo Vũ Hồng Thu nói.
Thời gian chuẩn bị cho chương trình giảng dạy mới không còn nhiều. Các thầy giáo, cô giáo được phân công phụ trách lớp 1 trong năm học tới đều mong muốn sớm được nhận sách giáo khoa và các học liệu phục vụ giảng dạy. Trên cơ sở những kiến thức được tập huấn, các thầy cô sẽ bắt tay vào thiết kế bài giảng, giảng thử với sự góp ý của hội đồng sư phạm nhà trường và chuẩn bị chu đáo nhất trước khi năm học mới chính thức bắt đầu./.
Thanh Nga/VOV-Đông Bắc