Những ngày này, thân nhân các liệt sỹ, những đồng đội năm xưa và người dân cả nước tới Quảng Trị thành kính dâng hương các anh hùng liệt sĩ.
Tháng 7 là tháng tri ân. Những ngày này, dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc lại tìm về vùng đất thiêng Quảng Trị - nơi hàng vạn người con ưu tú đã anh dũng hy sinh trong những năm tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước.
Trong những ngày tháng 7 nắng như đổ lửa, trên mảnh đất Quảng Trị linh thiêng, dấu ấn bom mìn chiến tranh giờ đã lùi xa. Con đường dẫn tới nghĩa trang Trường Sơn xanh ngắt bởi những vạt rừng cao su kéo dài tít tắp. Tọa lạc trên những vạt đồi bạt ngàn xanh của đồi thông thuộc xã Vĩnh Tường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là nơi quy tập hơn 10.000 liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.
Nghĩa trang Trường Sơn những ngày tháng 7. |
Hơn 10.000 ngôi mộ của những người con ra đi ở “sóng nước tuổi 20”. Trong khói hương trầm mặc, giữa không gian tĩnh lặng vẫn thổn thức những tiếng nấc nghẹn ngào.
Chị Lê Thị Thơm, con liệt sĩ Lê Anh Hiến, quê ở tỉnh Thái Nguyên hy sinh năm 1973 tại đường 9 Nam Lào. Lúc ba hy sinh, chị chưa tròn 6 tháng tuổi. Chị chỉ biết mặt ba qua di ảnh. Mãi đến năm 2000, ở tuổi 30 tuổi chị mới lần đầu tiên được gặp ba tại Nghĩa trang Trường Sơn này. Và bao nhiêu nhớ thương trong suốt 30 năm xa cách được dồn nén trong tiếng gọi “ba ơi!” tại chốn linh thiêng này.
“Đây là lần đầu tôi vào với ba. Khi tàu mới đến Quảng Bình tôi đã vô cùng xúc động. Tôi khóc rất nhiều, mong được gặp ba, được thắp cho ba nén hương. Gia đình tôi cùng các thân nhân gia đình liệt sỹ đã rất may mắn. Ba tôi vì tổ quốc hy sinh và may mắn là ông còn có phần mộ ở đây. Hằng năm, ba tôi vẫn được các cơ quan đoàn thể, được nhân dân, đồng bào cả nước tri ân. Gia đình tôi rất an tâm để ba tôi ở lại đây với đồng đội mình”, chị Hiến xúc động nói.
Thân nhân các liệt sỹ, những đồng đội năm xưa và người dân cả nước tới Quảng Trị thành kính dâng hương các anh hùng liệt sĩ. |
Hàng chục năm nay, cứ đến tháng 7, chị Thơm lại vào vùng đất lửa Quảng Trị thăm ba. Cả nhà tính chuyện đưa ba về nghĩa trang quê nhà nhưng trong những giấc mơ, chị Thơm lại nghe thấy tâm nguyện của ba mong được ở lại cùng đồng đội nơi đại ngàn Trường Sơn nhiều đau thương mất mát.
Trong dòng người lặng lẽ thắp nén hương lên đài tưởng niệm, dừng chân ở từng ngôi mộ nhỏ, lòng chúng tôi đau nhói khi đọc trên những bia mộ tên tuổi, quê quán những người đang ngủ yên trong lòng đất mẹ. Các anh hy sinh lúc tuổi đôi mươi. Cái nắng như rang giữa trưa tháng 7 của miền Trung cũng không xua được cảm giác gai lạnh trước từng hàng mộ chí quần tụ trên 11 quả đồi lớn nhỏ.
Bây giờ, vẫn còn hàng ngàn ngôi mộ chưa rõ danh tính. Trong số hơn 10.700 mộ ở nghĩa trang đường 9, có đến hơn 6000 mộ liệt sĩ chưa biết tên. Hàng nối hàng, nhiều nấm mồ vuông vức chưa rõ tên tuổi, địa chỉ, quê quán, không năm sinh, năm mất. Trên mỗi tấm đá trắng ấy, dưới ngôi sao vàng khắc dòng chữ sơn đỏ: “Liệt sĩ chưa biết tên”, mỗi người đến đây đều không khỏi xót xa.
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Nhuần từ tỉnh Hòa Bình thắp nén nhang lên mộ những đồng đội đã không ngăn nổi dòng nước mắt khi nhớ lại những người đồng đội năm xưa: “Chúng tôi rất xúc động, không nói nên lời, đó là một sự mất mát quá lớn…”.
Tên các anh đã thành tên “Đất nước”. Xương máu các anh hòa vào lòng đất Mẹ! Và đâu đó trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng này, vẫn còn hàng ngàn liệt sỹ chưa tìm ra dấu tích. Hàng năm, Nghĩa trang đường 9 và Nghĩa trang Trường Sơn tiếp đón rất nhiều thân nhân liệt sĩ đến tìm kiếm tung tích người thân.
Thắp hương cho những người đồng đội cũ. |
Các em học sinh dâng hương trên các phần mộ anh hùng liệt sĩ. |
Cựu chiến binh Hoàng Chí, Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn đã hơn 20 năm gần gũi với đồng đội đang yên nghỉ nơi này luôn trăn trở, day dứt khi chứng kiến biết bao gia đình hàng chục năm nay vẫn chưa tìm được hài cốt người thân. Là con liệt sỹ, hơn ai hết ông Chí thấu hiểu nỗi đau mất mát này: “Bây giờ theo tôi thì Cục có công đưa lên thành lập ngân hàng gen là rất hợp lý nhưng làm chậm quá. Nếu để kéo dài thì chất lượng mẫu sinh phẩm càng khó khăn. Mẫu sinh phẩm để dưới đất càng lâu càng bị phân hủy. Thứ hai mẫu sinh phẩm người sống, phả hệ để lấy không có. Liệt sĩ khi đi chưa có vợ, chỉ có cha mẹ mà cha mẹ hiện đã già quá rồi, nếu để chậm sẽ càng ngày càng khó. Vì vậy, điều kiện nhà nước đầu tư đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu sinh phẩm sẽ tốt cho đối tượng nhiều”.
Trong những dòng người về Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang đường 9 mỗi ngày, có những người con đến thăm mộ cha, vợ đến ngồi bên mộ trò chuyện với chồng, những cựu chiến binh tìm về kể lại cho đồng đội mình câu chuyện chiến đấu năm xưa, về cuộc sống hòa bình hôm nay… Và cũng trên vùng đất này, ngày ngày vẫn còn nhiều người con đi tìm cha, bao người vợ đi tìm chồng, vẫn còn không ít mẹ già lặn lội đi tìm con trai… mà chưa thấy./.
Nhóm PV/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/thang-7-tri-an-noi-dat-lua-quang-tri-1069819.vov